Tàu chiến Đức trở lại Biển Đông sau gần 20 năm, Trung Quốc lên tiếng
Bắc Kinh đưa ra bình luận không lâu sau khi giới chức Đức xác nhận về kế hoạch gửi tàu chiến tới Biển Đông sau gần 20 năm.
"Các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế. Nhưng họ không thể lấy đó làm cái cớ để phá hoại chủ quyền và an ninh của các quốc gia ven biển", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo hôm 3/3.
Tuyên bố này được đưa ra không lâu sau khi một quan chức cấp cao của Đức xác nhận tàu khu trục của nước này sẽ lên đường tới châu Á vào tháng 8 và đi qua Biển Đông trong hành trình trở về.
Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên một chiến hạm Đức di chuyển qua Biển Đông kể từ năm 2002.
Các quan chức trong Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Đức nói thêm con tàu sẽ không đi vào khu vực 12 hải lý (của các quốc gia ở Biển Đông).
Trên thực tế, Trung Quốc mới là nước thường xuyên gia tăng các hành động gây hấn trên Biển Đông. Số lần các tàu của nước này gây rối và xâm phạm chủ quyền các nước trong khu vực đang gia tăng ở mức độ đáng báo động thời gian qua.
Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng từ Washington và các đồng minh châu Âu trong vùng biển tranh chấp.
Mỹ thường xuyên triển khai tàu chiến và máy bay tới Biển Đông, thực thi chiến dịch tự do hàng hải.
Tuần trước, Pháp điều tàu đổ bộ tấn công Tonnerre và khu trục hạm Surcouf đi qua Biển Đông hai lần. Trước đó Paris cũng triển khai tàu ngầm tới tuần tra vùng biển này.
Truyền thông Anh hồi cuối tháng 2 đưa tin tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của nước này đã rời cảng Portsmouth để lên đường tới Biển Đông.
Với động thái mới đây của Đức, các chuyên gia nhận định đây là bước đi quan trọng của Berlin trong việc thực hiện các hướng dẫn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được phê duyệt vào năm 2020 để tăng cường sự tham gia của họ trong khu vực.
Sun Keqin, thành viên Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc cho rằng động thái mới đây cho thấy Đức - quốc gia vốn đi theo truyền thống thận trọng trong việc sử dụng sức mạnh quân sự đang muốn tăng cường quan hệ với Mỹ và NATO.
"Trung Quốc không mong muốn sức mạnh quân sự phương Tây hiện diện trong khu vực. Nhưng Đức muốn tăng cường hiện diện của mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như tăng cường hợp tác với ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Nó cũng cho thấy Mỹ hy vọng Đức có trách nhiệm hơn để gây sức ép với Trung Quốc", Sun cho biết.
Guo Xuetang, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế Thượng Hải phân tích, việc triển khai tàu chiến tới Biển Đông phản ánh sự độc lập trong chiến lược ngoại giao và quân sự của Đức, thay vì nỗ lực chung với Mỹ để gây sức ép lên Bắc Kinh.
Guo chỉ ra rằng khi lưu ý chiến hạm của mình sẽ không đi vào khu vực 12 hải lý (của các quốc gia ở Biển Đông), Berlin có vẻ không muốn làm mếch lòng Bắc Kinh quá nhiều.
Chính phủ liên bang Đức cũng khẳng định các hướng dẫn mới về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như lần trở lại Biển Đông tới đây không nhắm vào Trung Quốc.
"Đức cố tình giảm tông trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, điều này phù hợp với chính sách không ủng hộ đối đầu của Thủ tướng Merkel", Go nói.
Theo Helena Legarda, nhà phân tích cấp cao của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin, chiến dịch tới đây của Đức tại Biển Đông là “động thái mang tính biểu tượng” nhưng gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng Đức đang có lập trường hơn và đã sẵn sàng đối đầu tích cực hơn với các yêu sách của Trung Quốc trong khu vực.
“Nhiệm vụ này cho thấy cách tiếp cận của Berlin đang bắt đầu thay đổi, phản ánh một cách hiểu mới về tầm quan trọng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với sự ổn định toàn cầu và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, cũng như ý thức cấp bách mới để phản ứng trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực", bà cho hay.
Đức là quốc gia thứ hai trong EU, sau Pháp đưa ra tầm nhìn chính thức về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với mục tiêu nâng cao vai trò của mình như một đối tác trong khu vực.
Trong tuyên bố đưa ra năm 2020, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbaue nhấn mạnh sự hiện diện của hải quân Đức sẽ giúp “bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".
Theo bà Helena, điều này có thể liên quan tới sự hợp tác hơn nữa với các cường quốc trong khu vực và các quốc gia cùng chí hướng như Australia, Nhật Bản, Pháp và Mỹ.
Những động thái như vậy chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận bởi Trung Quốc từ lâu coi đó là nỗ lực nhằm tạo ra một liên minh phương Tây kiềm chế sự trỗi dậy của mình.