Tàu chiến, máy bay Nhật Bản đến Trung Đông
Nội các Nhật Bản hôm 27-12 đã chính thức thông qua kế hoạch triển khai tàu chiến và máy bay thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đến Trung Đông, nơi cung cấp khoảng 90% lượng dầu thô nhập khẩu của nước này
Cụ thể, Nhật Bản sẽ cử một khu trục hạm - với 200 thành viên thủy thủ đoàn - có thể mang theo 1-2 trực thăng tuần tra vào đầu tháng 2-2020, với hy vọng con tàu sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối tháng ở vịnh Oman, khu vực phía Bắc biển Ả Rập và mạn phía Đông eo biển Bab el-Mande. Tokyo cũng huy động 2 máy bay tuần tra đối ngầm P-3C, kèm theo nhân sự khoảng 60 người, cho các hoạt động tình báo theo kế hoạch.
Chương trình này sẽ tiếp diễn trong suốt 1 năm và có thể gia hạn. Báo Japan Times trích dẫn nguồn tin từ các quan chức cho biết chính phủ Nhật Bản có kế hoạch chi 4,68 tỉ yen (hơn 987 tỉ đồng) cho sứ mệnh trên trong tài khóa 2020.
Theo kế hoạch, đơn vị Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) được điều động với sứ mệnh "điều tra và nghiên cứu" và không được phép sử dụng vũ khí để bảo vệ các tàu khác. Đơn vị SDF sẽ hợp tác với lực lượng do Mỹ lãnh đạo và có thể cung cấp thông tin tình báo. Theo các quan chức, trong trường hợp khẩn cấp, Tokyo có thể viện dẫn luật SDF và cho phép khu trục hạm cũng như máy bay nói trên sử dụng vũ khí để bảo vệ các tàu liên quan đến Nhật Bản.
Đáng chú ý, quyết định này được đưa ra ngay trước chuyến thăm theo kế hoạch của Thủ tướng Shinzo Abe tới Ả Rập Saudi vào đầu tháng tới. Chuyến đi của ông Abe cũng sẽ trùng với bước thứ năm của Iran vào đầu tháng tới - giảm thêm nghĩa vụ của nước này theo thỏa thuận năm 2015, vốn nhằm đóng băng chương trình hạt nhân của Tehran.
Iran đã đe dọa sau mỗi 60 ngày sẽ thực hiện một bước mới để giảm nghĩa vụ của mình, gây áp lực buộc các nước phương Tây - bao gồm Mỹ, Pháp, Anh và Nhật Bản - giảm nhẹ hoặc thách thức lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ áp đặt đối với Tehran. Căng thẳng quân sự trong khu vực tăng mạnh hồi tháng 6 năm nay, khi 2 tàu chở dầu, trong đó có tàu Kokuka Courageous của Nhật Bản, đã bị tấn công bởi một bên không xác định nhưng Mỹ đổ lỗi cho Iran. Lúc đó, Thủ tướng Abe đang thực hiện chuyến thăm lịch sử đến Tehran với tư cách là nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên sau 41 năm.
Trước đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng yêu cầu Nhật Bản bảo vệ các tàu chở dầu của riêng mình khi đi qua eo biển Hormuz, điểm chốt chặn quân sự quan trọng ở ngay ngưỡng cửa Iran và cửa ngõ vịnh Ba Tư. Washington đã thúc giục Tokyo tham gia lực lượng tuần tra liên minh do Mỹ lãnh đạo ở eo biển Hormuz. Tuy nhiên, khi đó Tokyo đã triển khai đơn vị "độc lập" của mình tại khu vực trên, ngoại trừ eo biển Hormuz, nhằm duy trì mối quan hệ với Iran - nước cung cấp 5,2% nguồn dầu thô cho Nhật Bản vào năm 2017.
Khoảng 20% trong số 3.900 tàu qua eo biển Hormuz và 1.800 tàu qua eo biển Bab el-Mande mỗi năm được cho là có liên quan đến Nhật Bản, chủ yếu là tàu chở dầu.