Tàu chiến Nga xuất hiện trước 'cửa ngõ', Mỹ theo dõi nhất cử nhất động
Khi một trong những tàu tân tiến nhất của hải quân Nga đã tiến vào cảng Havana của Cuba, các tàu chiến Mỹ gần đó đã giám sát chặt chẽ.
Theo Washington Times, một trong những tàu tân tiến nhất của hải quân Nga đã tiến vào cảng Havana hôm qua và có chuyến thăm chính thức tại đây, trước sự giám sát chặt chẽ của các tàu chiến Mỹ gần đó.
Tàu Đô đốc Gorshkov, được trang bị các tên lửa Kalibr, đã rời cảng Severomorsk ở Nga vào cuối tháng 2 vừa qua và thực hiện hành trình kéo dài nhiều tháng của mình. Tàu đã dừng chân ở Trung Quốc, Djibouti và Sri Lanka trước khi cập cảng ở Cuba vào ngày 24/6. Đi cùng với tàu Gorshkov còn có những tàu quân sự làm nhiệm vụ hỗ trợ khác.
Tàu Gorshkov là một trong những tàu chiến hiện đại nhất của hải quân Nga và được trang bị nhiều tên lửa, hệ thống phòng thủ cùng nhiều vũ khí khác. Tàu này được đặt tại cảng Arctic của Severomorsk và một phần của Hạm đội phương Bắc. Đây chính là tàu đầu tiên trong lớp tàu mới thay thế các tàu ngầm từ thời Xô Viết cũ kỹ nhằm tăng cường năng lực biển của Moscow.
Theo truyền thông Cuba, thủy thủ đoàn của tàu Gorshkov dự kiến sẽ “thực hiện một loạt những hoạt động, bao gồm gặp mặt tư lệnh Lực lượng Hải quân Cách mạng Cuba và đến thăm những địa điểm du lịch có giá trị lịch sử và văn hóa cao”.
Trong lúc tàu chiến Nga cập cảng Cuba, các tàu chiến Mỹ gần đó đã xuất hiện để theo dõi hoạt động. Một trong số đó là tàu USS Jason Dunham khi tàu này chỉ cách cảng Havana vài hải lý.
Chuyến thăm của tàu khu trục mang tên lửa của Nga tới Havana được dự báo sẽ gây ra những quan ngại nhất định đối với Washington, trong bối cảnh Mỹ và Nga đang nhiều bất đồng.
Nga cũng đưa ra cảnh báo Mỹ về nguy cơ tái diễn đối đầu giống như trong cuộc khủng hoảng Cuba vào năm 1962 sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và triển khai tên lửa sát vách Moscow.
Theo CNA, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 24/6 cho biết, vài tháng sau khi rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm Trung (INF) Mỹ gần đây cho thấy rõ tham vọng thúc đẩy việc triển khai các hệ thống tên lửa tới sát biên giới Nga.
"Nếu mọi việc tiến xa tới mức Mỹ triển khai các hệ thống đó trên thực địa, tình hình sẽ leo thang tới đỉnh điểm căng thẳng. Chúng ta có thể sẽ thấy mình trong cuộc khủng hoảng không chỉ giống những năm 1980 mà giống như khủng hoảng Caribe", ông Ryabkov nhắc tới cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Tuyên bố của ông Ryabkov được đưa ra sau khi quân đội Mỹ hồi tháng 4 báo sẽ bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) sang Romania để tăng cường năng lực đối phó tên lửa của NATO.
Song song với việc này, Nga cũng phát hiện Mỹ triển khai một trạm radar trên lãnh thổ Na Uy nhưng cách biên giới Nga vài chục km. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định trạm radar nói trên do lực lượng tình báo quân sự Na Uy vận hành. Tuy nhiên, thông tin thu thập được sẽ chuyển thẳng tới Mỹ.