Được thiết kế để hoạt động trong môi trường vùng duyên hải, các tàu chiến ven biển lớp Freedom và Independence của Hải quân Mỹ có thể di chuyển ngoài khơi cũng như dọc theo đường bờ biển của đối phương.
Những con tàu nói trên có tiềm năng cao, nhưng các vấn đề về phát triển, điều chỉnh thiết kế, nhu cầu chỉ huy chiến đấu thấp và các rào cản khác đã làm xấu đi tên tuổi của chúng.
Trên thực tế, Hải quân Mỹ đã công bố ý định cho ngừng hoạt động 9 chiếc LCS lớp Freedom vào mùa xuân năm ngoái để lực lượng này có nguồn tài trợ dồn cho các ưu tiên khác.
Nhưng bất chấp mục tiêu của Lầu Năm Góc là "thoái vốn" khỏi hạm đội LCS của mình, chiếc USS Marinette đã chính thức được đưa vào hoạt động với tư cách là tàu LCS lớp Freedom thứ 13.
Ban đầu được thiết kế trong vai trò tàu nhỏ, nhanh, rẻ tiền và có khả năng cơ động, LCS có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ giám sát và tác chiến chống ngầm cho đến các hoạt động đặc biệt và hậu cần...
Những con tàu này nhằm hỗ trợ sứ mệnh của Hải quân Mỹ là “giải phóng tiền tuyến”, chúng có thể thực hiện quét sóng siêu âm để tìm thủy lôi và phóng vũ khí chống lại tàu ngầm của đối phương trong chiến đấu.
Khi chương trình LCS được khởi động vào đầu những năm 2000, ưu điểm chính của nó được xác định là có khả năng sản xuất nhanh chóng so với các tàu khác của Hải quân Mỹ, trong khi giá thành rẻ hơn đáng kể.
Đến năm 2010, Lầu Năm Góc đã trao cho Lockheed Martin và Austal AUSA mỗi doanh nghiệp một hợp đồng đóng 10 chiếc. Trong khoảng thời gian này, việc chế tạo bắt đầu trên LCS-1 lớp Freedom (USS Freedom) và LCS-2 lớp Independence (USS Independence).
Tuy nhiên hiệu quả hoạt động của các tàu chưa đáp ứng được kỳ vọng. Một báo cáo gần đây cho biết khả năng sống sót của LCS “bị thách thức trong môi trường cạnh tranh chống lại các loại mối đe dọa đã biết”.
Trong khi đó, khả năng sống sót khi thực hiện các nhiệm vụ trong môi trường chiến tranh hiện đại theo đánh giá ở mức chưa rõ ràng.
Có lẽ lỗi thiết kế rõ ràng nhất liên quan đến LCS là các vết nứt. Năm ngoái, ấn phẩm Navy Times đưa tin rằng các vết nứt xuất hiện trên những con tàu này ngày càng nghiêm trọng khi chúng di chuyển với tốc độ hơn 15 hải lý/giờ.
Mặc dù vấn đề này xuất hiện nhiều hơn ở các tàu lớp Independence, nhưng chiến hạm LCS lớp Freedom chắc chắn không tránh khỏi nhược điểm tương tự.
Các vấn đề liên quan đến hệ thống truyền động phần lớn gây khó khăn cho lớp Freedom, ảnh hưởng đến độ tin cậy của tàu.
Do những vấn đề này, cho đến nay, 3 tàu lớp Independence đã ngừng hoạt động, bao gồm cả chiếc dẫn đầu USS Independence, khi được cho nghỉ hưu vào năm 2021 chỉ sau 11 năm phục vụ trong Hải quân Mỹ.
Con tàu dẫn đầu của LCS lớp Freedom, USS Freedom, đã ngừng hoạt động trong cùng năm. Nhưng bất chấp những hạn chế rõ ràng của nó, một số nhà phân tích tin rằng LCS không hoàn toàn vô dụng.
Khả năng tiếp cận các cảng và khu vực ven biển của tàu là điều mà những chiến hạm có mớn nước sâu hơn không thể làm được.
Xem xét căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington, có vẻ Hải quân Mỹ cần phải tiếp cận các khu vực ven biển nguy hiểm trong tương lai để rà phá bom mìn hoặc giao chiến với lực lượng đông đảo hơn.
Với ưu điểm trên và việc vẫn chế tạo lớp chiến hạm này, Hải quân Mỹ có vẻ đang cố gắng khắc phục nhược điểm để những tàu chiến ven biển nói trên giữ vai trò lớn hơn trong tương lai.