Theo truyền thông Venezuela, tàu chiến ven bờ USS Detroit (LCS-7) của hải quân Mỹ đã tiếp cận vùng lãnh hải của họ và bắt đầu di chuyển dọc theo biên giới quốc gia châu Mỹ Latinh này, tạo ra một mối đe dọa tiềm tàng.
Ban đầu, việc hộ tống chiến hạm Mỹ được thực hiện bởi một tàu tuần tra của hải quân Venezuela, nhưng sau đó tiêm kích Su-30MK2 đã xuất hiện trong khu vực, trước sự uy hiếp từ trên không, tàu USS Detroit đã buộc phải rời đi.
Tiêm kích Su-30MK2 của không quân Venezuela do tổ hợp chế tạo hàng không Komsomolsk on Amur (KnAAPO) sản xuất, đây là phiên bản hiện đại hóa từ Su-30MKK với khả năng cường kích đánh biển được nâng cao đáng kể.
Máy bay chiến đấu Su-30MK2 được trang bị tổ hợp ngắm bắn đa nhiệm SUV-VEP bao gồm radar mảng pha quét thụ động N001 VEP và hệ thống trinh sát quang học OLS-30.
Phạm vi theo dõi mục tiêu trên không của Su-30MK2 vào khoảng 150 km, nó phát hiện được tàu sân bay và xuồng cao tốc từ cự ly tương ứng 250 km và 70 km.
Ở chế độ tác chiến đối không, radar của Su-30MK2 có thể theo dõi 10 mục tiêu và điều khiển tên lửa tiêu diệt 2 mục tiêu (1 xa 1 gần) cùng lúc.
Động cơ của Su-30MK2 là AL-31F không có kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều nhưng tuổi thọ cao hơn đáng kể so với AL-31FP, tỏ ra thích hợp với một chiếc máy bay chiến đấu đa năng thiên về cường kích đánh biển hơn.
Trong khi đó chiếc USS Detroit thuộc loại tàu tác chiến ven bờ (LCS) số lẻ lớp Freeedom, con tàu có khả năng tàng hình và hoạt động rất tốt tại vùng nước nông sát lãnh hải đối phương.
Tàu được thiết kế để đáp ứng khẩn cấp các nhiệm vụ hoạt động ở vùng nước nông, chống lại mối đe dọa trên biển như tàu ngầm chạy động cơ diesel và các vụ khủng bố dùng xuồng cao tốc.
Lớp chiến hạm này được thiết kế với các đặc điểm nhỏ, nhanh, linh hoạt, dựa trên các module có thể thay thế, chi phí hợp lý, đa nhiệm, có khả năng tàng hình, liên kết với hệ thống quản lý tác chiến thống nhất.
Điểm độc đáo của các tàu là không gian trống chiếm tới 40% diện tích, khi cần thiết sẽ nhanh chóng được bổ sung các module vũ khí phù hợp cho nhiệm vụ tác chiến chống ngầm, chống hạm hoặc phòng không.
Tàu được trang bị hệ thống điện tử rất hiện đại bao gồm radar tìm kiếm mục tiêu TRS-3D được thiết kế đặc biệt cho các hoạt động ở ven bờ.
Ngoài ra trên tàu còn có hệ thống dữ liệu chiến đấu COMBATSS-21, hệ thống chiến tranh điện tử Argon ST WBR-2000 và hệ thống mồi bẫy hồng ngoại Terma A/S SKWS.
Tàu USS Detroit cũng như những chiếc LCS lớp Freedom khác được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, bao gồm pháo hạm Mk 110 cỡ 57 mm với tầm bắn 14 km, tốc độ tác xạ 220 phát/phút.
Bên cạnh đó, tàu còn được tích hợp 2 pháo bắn nhanh Mk 44 Bushmaster II cỡ 30 mm, hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp RIM-116 có tầm bắn hiệu quả 9 km.
Như vậy dễ thấy Su-30MK2 có ưu thế vượt trội so với chiến hạm Mỹ, các loại tên lửa mà nó mang theo đủ sức nhấn chìm tàu USS Detroit nếu phát sinh xung đột, trong khi chiếc LCS-7 sẽ chẳng có cách nào để đáp trả, vì vậy việc nó rời đi được đánh giá là hợp lý.
Bạch Dương