Tàu chở 70.000 tấn khí thiên nhiên hóa lỏng đầu tiên đã về đến Việt Nam

Sáng 10/7, chuyến tàu chở 70.000 tấn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên đã về đến Việt Nam. Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) – đơn vị đầu tiên được cấp phép là thương nhân xuất nhập khẩu LNG – cho biết, con tàu Maran Gas Achilles (quốc tịch Hy Lạp) xuất phát từ cảng Bontang – Indonesia đã cập bến kho cảng Thị Vải, Bà Rịa -Vũng Tàu.

Tập đoàn năng lượng đa quốc gia Shell là đơn vị được PV GAS lựa chọn để làm nhà cung cấp cho chuyến hàng lần này.

Đây được xem là bước tiến quan trọng với ngành công nghiệp khí tại Việt Nam nói riêng và ngành công nghiệp năng lượng nói chung, nhất là khi Quy hoạch Điện VIII vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất 83 tỷ kWh.

“Sự kiện này không chỉ đơn thuần phục vụ cho chiến lược sản xuất kinh doanh của PV GAS, mà còn mang nguồn năng lượng mới góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng hành cùng Chính phủ hiện thực hóa cam kết tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050”, ông Phạm Văn Phong, Tổng Giám đốc PV GAS cho biết.

Khí thiên nhiên hóa lỏng (Liquefied Natural Gas - LNG), có thành phần chủ yếu là CH4 - methane (chiếm khoảng 85 - 95%), trong suốt, không mùi và không màu, được sản xuất bằng cách làm lạnh sâu khí thiên nhiên ở nhiệt độ khoảng -162°C để chuyển sang thể lỏng. Khi chuyển sang trạng thái lỏng, thể tích của LNG giảm khoảng 600 lần so với trạng thái khí và có khối lượng riêng chỉ bằng ½ tỷ trọng của nước.

Thực tế đã chỉ ra rằng, LNG khi đốt cháy tạo ra ít hơn 40% lượng khí thải CO2 so với than đá và ít hơn 30%so với dầu mỏ; không thải ra muội, bụi và chỉ sinh ra một lượng không đáng kể khí SO2. Điều này khiến nó trở thành nhiên liệu hóa thạch sạch nhất.

Với lợi thế nêu trên, LNG chính là một “giải pháp môi trường” có khả năng thay thế các năng lượng truyền thống đang sử dụng trong nước bao gồm than, dầu FO, DO, xăng... và bổ sung cho nguồn khí nội địa đang khai thác hiện đã bước vào giai đoạn suy giảm.

CTV An An/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-24h/tau-cho-70000-tan-khi-thien-nhien-hoa-long-dau-tien-da-ve-den-viet-nam-post1031715.vov