Tàu du lịch Hạ Long bị đắm, chủ tàu 'mắc cạn'

Với mức giá gần 100 triệu đồng để trục với một tàu bị đắm do bão, nhưng nhiều đơn vị trục vớt đến rồi lại lắc đầu ra đi. Dự đoán khoảng 10 ngày nữa, 22 con tàu vẫn chìm trong nước biển.

10 ngày sau cơn bão số 3, dưới các âu tàu thuộc Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, cả dãy tàu du lịch đưa khách tham quan vịnh Hạ Long đổ rạp. Hầu hết đã bị đắm 2/3 thân, có tàu chỉ còn nhô lên phần nóc.

Đã qua 10 ngày sau cơn bão, 22 con tàu đắm tại cảng Tuần Châu vẫn chưa được trục vớt.

Đã qua 10 ngày sau cơn bão, 22 con tàu đắm tại cảng Tuần Châu vẫn chưa được trục vớt.

Ông Đặng Tuấn Hà, Giám đốc Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, cho biết: Trong số hàng trăm con tàu hoạt động đưa khách tham quan vịnh Hạ Long tại Cảng, có 22 tàu bị đắm. Điều đáng tiếc là, cả 22 tàu du lịch này đều không có bảo hiểm thân vỏ.

Các chủ tàu chứng kiến cảnh "cần câu cơm" của mình ngâm trong nước biển.

Các chủ tàu chứng kiến cảnh "cần câu cơm" của mình ngâm trong nước biển.

Ngồi trên bậc tam cấp tại âu cảng số 2, ngay trước con tàu Minh Hương QN5969 của mình bị đắm trong trận bão ngày 7/9, anh Nguyễn Danh Bằng cho hay: Đã sang ngày thứ 10 và đến thời điểm này, vớt lên thì hệ thống máy móc, nội thất trên tàu đã hỏng. Nhưng càng ngâm lâu thì lớp vỏ gỗ, ca bin càng bị xô đẩy nhiều. Nếu để thêm vài ngày nữa thì trục vớt lên cũng chỉ để làm chất đốt.

Anh Nguyễn Danh Bằng bên khối tài sản đang hỏng hóc từng ngày, nguy cơ không thể khôi phục.

Anh Nguyễn Danh Bằng bên khối tài sản đang hỏng hóc từng ngày, nguy cơ không thể khôi phục.

Chiếc tàu gỗ 48 chỗ ngồi của anh Bằng được mua từ năm 2019, với giá hơn 3 tỷ đồng. Để đầu tư phương tiện đưa khách tham quan vịnh Hạ Long này, anh phải thế chấp sổ đất của gia đình vay ngân hàng. Dịch Covid-19 kéo đến, con tàu cả năm nằm dài, trở thành gánh nặng với khoản tiền gốc, lãi hằng tháng. Cách đây vài tháng, anh Bằng lại đầu tư hơn 400 triệu đồng sửa chữa, nâng cấp con tàu. Vừa phục hồi 2 năm thì cơn bão dữ lại ấp đến, nhấn chìm cả khối tài sản, nguồn thu nhập chính của anh Bằng xuống biển.

Tình cảnh của anh Bằng cũng giống như hầu hết các chủ tàu bị đắm trong cơn bão số 3 ở Hạ Long. Có người sở hữu 6 con tàu thì 6 tàu đều bị đắm, như trường hợp chị Nguyễn Thị Trâm, chủ hãng tàu Toàn Thắng.

Nhiều đơn vị trục vớt đến Tuần Châu nhưng không thực hiện được việc này.

Nhiều đơn vị trục vớt đến Tuần Châu nhưng không thực hiện được việc này.

Có mặt tại Âu tàu số 2, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu ngày 17/9, chị Trâm cho biết: “6 con tàu gỗ của tôi có giá khoảng 2,8 đến 3 tỷ đồng/chiếc. Sau dịch Covid-19, do kiệt quệ về tài chính nên hầu hết các chủ tàu ở đây không ai mua bảo hiểm thân vỏ cho tàu (15-20 triệu đồng/tàu/năm). Đến giờ thì cả chủ lẫn tàu đều đắm hẳn”.

Những con tàu đắm chờ trục vớt

Ngay từ những ngày đầu sau cơn bão số 3, chủ của những con tàu bị đắm đã tính đến phương án trục vớt. Một số đơn vị trục vớt đã đến cảng Tuần Châu, thương thảo với chủ tàu với mức giá ban đầu là 60 triệu đồng/tàu, rồi lên tới 90 triệu đồng/tàu, nhưng đều không thực hiện trục vớt được.

Theo các chủ tàu, hầu hết các thiết bị máy móc, nội thất trên tàu đã hư hỏng.

Theo các chủ tàu, hầu hết các thiết bị máy móc, nội thất trên tàu đã hư hỏng.

Theo chị Nguyễn Thị Trâm, trong quá trình cả chục ngày nằm dưới đáy biển, bị sóng đánh, phần gỗ trên tàu bị bóc tách, lượng nước trong tàu nhiều nên dù đã chấp nhận thuê trục vớt với giá cao, nhưng đơn vị trục vớt không thực hiện được, đành phải hủy hợp đồng.

Theo phản ánh của các chủ tàu, trong bối cảnh các đơn vị trục vớt (chủ yếu ở Hải Phòng) có nhiều hợp đồng ở cả Quảng Ninh và Hải Phòng, nên họ thường ép giá cao (tổng chi phí khoảng 100 triệu đồng/tàu), nhiều chủ tàu quá khó khăn không đủ tiền thuê trục vớt đành ngậm ngùi nhìn tàu của mình ngâm nước biển.

Các con tàu đắm tại cảng Tuần Châu vẫn chờ được trục vớt.

Các con tàu đắm tại cảng Tuần Châu vẫn chờ được trục vớt.

Dù chấp nhận giá cao, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có đơn vị trục vớt nào nhận việc, anh Nguyễn Danh Bằng đành tự cứu hộ con tàu của mình bằng phương pháp thủ công, là dùng các phao hơi để nâng tàu, sau đó tính đến phương án lai dắt lên đà sửa chữa. Nhưng đến ngày 18/9, phương pháp của anh Bằng vẫn chưa thể thực hiện được.

Theo ông Trần Văn Hồng - Chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long: "Hiện rất khó khăn trong việc tìm kiếm đơn vị trục vớt. Chi hội vẫn đang liên hệ với một số đơn vị ở Hải Phòng sang trục vớt các tàu du lịch ở Tuần Châu. Với tần suất 1 tàu/ngày, 22 con tàu còn lại đang ngâm nước biển sẽ phải chờ đợi rất lâu, nguy cơ không thể sửa chữa là rất cao".

Nguyễn Quý

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tau-du-lich-ha-long-bi-dam-chu-tau-mac-can-10290555.html