Tàu hộ INS Hanit lớp Sa’ar 5 của Hải quân Israel có lượng giãn nước đầy tải 1.275 tấn, thiết kế tàng hình tiên tiến và được trang bị hệ thống điện tử cùng vũ khí cực mạnh.
Trên tàu có radar tìm kiếm mục tiêu đường không EL/M-2218S, radar kiểm soát hỏa lực EL/M-2221, 1 hệ thống pháo phòng không bắn nhanh Phalanx CIWS và đặc biệt là 64 tên lửa phòng không Barak-1 trong các ống phóng thẳng đứng.
Barak-1 là loại tên lửa phòng không tầm ngắn của Israel, được thiết kế với vai trò lá chắn phòng thủ điểm nhằm bảo vệ tàu chiến mặt nước chống lại các cuộc tấn công đường không từ máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình chống hạm và UAV cảm tử.
Tên lửa phòng không Barak-1 có trọng lượng phóng 98 kg, chiều dài 2,1 m, đường kính thân 170 mm, sải cánh 685 mm, mang theo đầu đạn nặng 22 kg, tốc độ Mach 2,1, tầm bắn trong khoảng 0,5 - 12 km, trần bay 5,5 km.
Hệ thống phòng không Barak-1 có thể được sử dụng với vai trò bổ sung hoặc thay thế hoàn toàn cho pháo bắn nhanh kiểu Phalanx nhờ một số ưu điểm như độ linh hoạt cao và tên lửa có tầm tác chiến xa hơn.
Các tên lửa Barak-1 được đặt trong ống phóng thẳng đứng kiêm ống bảo quản dạng container, một cụm 8 ống phóng có trọng lượng chỉ 1.700 kg với yêu cầu bảo dưỡng rất đơn giản, thích hợp để trang bị cho tàu chiến mặt nước có lượng giãn nước từ 500 tấn trở lên.
Kiểm soát hỏa lực cho tên lửa được cung cấp bởi một hệ thống C3I nhỏ gọn, trọng lượng chỉ 1.300 kg. Hệ thống này có thể hoạt động độc lập hoặc kết hợp với các cảm biến khác trên tàu chiến.
Barak-1 có thể tạo nên một chiếc ô bảo vệ, bao quát toàn bộ 360 độ xung quanh con tàu với thời gian phản ứng cực nhanh trước các mối đe dọa. Một tổ hợp Barak-1 bao gồm container chứa tên lửa, radar, máy tính điều khiển có giá 24 triệu USD.
Với độ tin cậy cao, hệ thống Barak-1 với biệt danh “Vòm sắt trên biển” đã được triển khai lắp đặt trên hầu hết các tàu chiến mặt nước của Hải quân Israel và còn được xuất khẩu tới Ấn Độ, Singapore và Chile.
Tuy vậy hiệu quả thực tế trong chiến đấu của tổ hợp Barak-1 cũng giống như Iron Dome từng bị đặt một dấu hỏi rất lớn, có thể lấy ví dụ về trường hợp của tàu hộ vệ INS Hanit.
Trong cuộc chiến tranh Libanon 2006 chống lại lực lượng Hezbollah, chiếc INS hanit Hanit được giao nhiệm vụ tuần tra ngoài khơi cách bờ biển Beirut 10 hải lý.
Vào đêm 14/7/2006, một quả tên lửa chống hạm phóng từ đất liền đã bắn trúng phần đuôi chiếc INS Hanit, sát khu nhà chứa trực thăng gây hư hỏng nặng cho con tàu và loại nó ra khỏi vòng chiến đấu.
Điều đáng nói nhất trong vụ tấn công này không phải là tranh cãi xem quả tên lửa bắn bị thương Hanit là C-701 hay C-802, mà tại sao cả hệ thống Barak-1 lẫn Phalanx đều không đưa ra được bất cứ một phản ứng nào trước mối đe dọa cực lớn này.
Đại diện Lực lượng phòng vệ Israel sau đó giải thích rằng chiếc INS Hanit đã tắt tất cả các hệ thống phòng thủ để khỏi gây nhiễu máy bay phe nhà đang hoạt động.
Tuy nhiên lời bào chữa này thật khó chấp nhận vì khi đó con tàu đang ở trong khu vực chiến sự, luôn phải cảnh giác cao độ trước bất kỳ đòn tấn công nào của đối phương.
Với thực tế những gì diễn ra, Hải quân Israel có lý do để lo lắng hơn nữa khi gần đây xuất hiện thông tin cho biết lực lượng Hezbollah đã nhận được cả tên lửa chống hạm siêu âm Onyx từ Syria.