Tàu hộ vệ Mercury của Nga - 'thủy quái' đáng sợ trên đại dương
Tàu hộ vệ được đóng mới theo Dự án 20386 của Nga sẽ trang bị 16 tên lửa chống tàu thuộc lớp Zircon - tên lửa siêu thanh hàng đầu thế giới hiện nay. Cùng nhiều loại vũ khí khác khiến nó thực sự là 1 'thủy quái' đáng sợ trên đại dương.
Vào năm 2022, tàu hộ vệ thế hệ mới nhất thiết kế theo Dự án 20386 có tên Mercury (Thủy tinh quân) sẽ gia nhập Hạm đội Hải quân Nga. Nó là một trong những loại tàu chiến đầu tiên sử dụng tên lửa siêu thanh Zircon.
Nhiệm vụ chính của các tàu chiến thuộc Dự án 20386: tìm ra vị trị và tiêu diệt tàu nổi lẫn tàu ngầm địch. Ngoài ra, chúng sẽ tham gia bảo vệ tàu ngư dân, và nếu cần thiết sẽ yểm trợ hỏa lực cho pháo binh Hải quân trong một cuộc tấn công ven biển.
Tốc độ
Tàu hộ vệ thế hệ mới sẽ nhanh hơn các tàu cùng lớp thế hệ trước ít nhất 15%, Phó tổng công trình sư, Alexander Dadykin nói với Kênh truyền hình Quốc phòng Zvezda.
Điều này có được nhờ thân tàu có hình dạng mới, sẽ cho phép nó “cắt” qua sóng nước “ngọt” hơn, và tăng vận tốc thông qua việc sử dụng vật liệu tổng hợp.
Phó tổng công trình sư Alexander Dadykin cũng thông báo tàu sẽ sử dụng động cơ có 2 turbin khí áp chứa yếu tố của một loại động cơ phát điện thế hệ mới. “Turbin này nằm trong một khoang đặc biệt gắn với thân tàu. Nó chứa một động cơ điện dự phòng và một chân vịt điều khiển tàu chạy theo mọi hướng. Trong thực tế, điều đó có nghĩa tàu hộ tống có di chuyển về phía trước và lùi lại. "Thủy quái" nặng hàng trăm tấn có thể được triển khai nhanh chóng. Đây chính là một yếu tố mới làm tăng khả năng cơ động của tàu chiến".
Tổng công suất của hệ thống động cơ vượt quá 55.000 mã lực. Đây là tàu hộ tống đầu tiên có sức mạnh như vậy ở Nga - ông Dadykin chia sẻ thêm.
Nhờ công nghệ sáng tạo mới, tàu hộ vệ Dự án 20386 sẽ là tàu chiến nền tảng mới cho Hạm đội Hải quân Nga. Nó cũng sẽ là tàu chiến đầu tiên trong Hạm đội Hải quân Nga chở trực thăng Ka-27 sử dụng thủy lôi. Trực thăng sẽ được che giấu khỏi thiết bị giám sát của kẻ thù, và nếu cần thiết sẽ phóng thẳng trực tiếp thông qua một cầu hàng không đặc biệt để chiến đấu.
Hỏa lực
Tàu hộ vệ được đóng mới theo Dự án 20386 sẽ trang bị một cặp tên lửa chống tàu, mỗi cặp có 4 ống phóng và 8 tên lửa. Những vũ khí đó thuộc lớp Zircon, tên lửa siêu thanh hàng đầu thế giới hiện nay, có tầm bắn lên đến 500 km và vận tốc nhanh gấp 8 lần vận tốc âm thanh, tương đương 2,5 km/giây.
“Cần lưu ý rằng, loại tên lửa này chưa phục vụ bất kỳ quốc gia nào ngoại trừ Nga. Hiện tại, chưa có biện pháp hiệu quả chống lại chúng, điều này làm cho Zircon và tàu chiến sử dụng loại tên lửa này trở nên độc nhất,” ông Dmitry Safonov, một nhà phân tích quân sự nói với Báo Izvestia.
Theo ông Safonov, cũng được cài đặt trên tàu sẽ là pháo phòng không Redut, tên lửa Igla và súng máy 6 nòng 30mm có thể bắn xuyên thủng giáp của tàu chiến hiện đại.
“Để chống lại ngư lôi dưới nước, một cặp pháo cỡ nòng lớn 330mm sẽ được lắp đặt trên tàu. Và đối với hoạt động tập kích ven biển, tàu sẽ sử dụng pháo A-190 cỡ nòng 100mm, nã liên tục vào bờ biển với khoảng 80 phát đạn pháo/phút,” ông Safonov cho biết thêm.
Theo ý kiến của riêng ông, chưa có quốc gia nào sở hữu tàu chiến có hỏa lực tương đương, điều đó khiến tàu hộ vệ thuộc Dự án 20386 - Mercury trở nên đặc biệt và thực sự là một thủy quái đáng sợ trên đại dương.