Tàu hút cát sát mép rừng phòng hộ
Trưa 9.3, qua thông tin của người dân cung cấp về việc có 2 tàu sắt cỡ lớn tiến sâu vào một ngọn nước trong rừng phòng hộ Dầu Tiếng (thông ra sông Sài Gòn, thuộc ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu) để bơm hút cát sát mép bìa rừng, phóng viên Báo Tây Ninh tìm đến nơi mà người dân báo tin.
Tới chỗ cách tàu khoảng 30m, tại thời điểm quan sát, phóng viên phát hiện có một tàu sắt cỡ lớn đang tấp vào sát mép bìa rừng cây mọc tự nhiên để bơm hút cát. Phía xa, nơi đầu ngọn nước có một chiếc tàu khác rẽ ra sông Sài Gòn và di chuyển về hướng thủy phận tỉnh Bình Phước.
Theo một người dân địa phương, nơi đây thường gọi là Ùn Cầu Sập, ngọn nước này nằm giáp ranh giữa tiểu khu 58 và 59 thuộc khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, có chiều dài bắt đầu từ sông Sài Gòn tiến sâu vào rừng phòng hộ hơn 1km. Nhiều năm về trước, ngọn nước này có chiều ngang khá hẹp, người dân có thể lội qua lại được, nhưng hiện nay ngọn nước đã phình to (nhất là tại đoạn thường xuyên có tàu bơm hút cát), rộng khoảng 100m, sâu hơn 10m, vách bờ bị sạt lở nghiêm trọng.
Tàu đang bơm hút cát sát mép rừng phòng hộ (ảnh cắt từ video clip)
Cận cảnh tàu đưa mũi vào đụng bờ đất có cây rừng mọc tự nhiên để bơm hút cát (ảnh cắt từ video clip)
Trong khi quan sát vào trưa ngày 9.3, 1 tàu hút cát không số hiệu cỡ lớn cứ lấn sâu vào tới bờ đất có rừng cây mọc tự nhiên để hút cát. Tàu hoạt động khoảng 1 giờ, sau đó quay đầu di chuyển theo ngọn nước ra sông Sài Gòn, rẽ về hướng thủy phận tỉnh Bình Phước.
Tại đoạn phình to mà người dân đang đề cập, quả nhiên bị sạt lở rất nghiêm trọng. Vách bờ sạt lở khá cao và thẳng đứng, dưới đó là nhiều cây rừng đã chìm trong dòng nước sâu đục ngầu, một số cây chỉ còn lại phần chóp ngọn nhô lên khỏi mặt nước. Trong khi, vẫn còn rất nhiều cây rừng trên mép bờ vực có nguy cơ cũng sẽ bị rớt xuống dòng nước. Ước tính diện tích đoạn phình to này có thể rộng tới 2 ha.
Hoạt động bơm hút khoáng sản lấn sâu vào hướng rừng phòng hộ đầu nguồn và sát mép bờ vực có rừng cây mọc tự nhiên như vậy là hoàn toàn bất thường. Người dân địa phương kiến nghị cơ quan chức năng quan tâm, vào cuộc, làm rõ hoạt động bất thường này trước khi nhiều cây rừng và đất đai tại đó tiếp tục bị mất dần.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tau-hut-cat-sat-mep-rung-phong-ho-a169989.html