Tàu hút cát xé toạc bãi bồi ven sông – Bài 1: Cắm vòi vào bờ hút khoáng sản
Thời gian gần đây người dân xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa) rất bức xúc trước việc các tàu hút cát thuộc phạm vi mỏ 18 liên tục cắm vòi vào bờ, hút khoáng sản, gây sạt lở diện tích đất canh tác cây nông nghiệp.
Vào những năm 2010, xã Vĩnh Hòa có khoảng 63ha đất bãi bồi ven sông. Số diện tích đất này được giao khoán cho người dân tại 2 thôn Giang Đông và Nghĩa Kỳ canh tác. Tuy nhiên, từ năm 2014, khi mỏ cát số 18 đi vào hoạt động, số diện tích bãi bồi đã bị thu hẹp đáng kể do tình trạng sạt lở bờ sông. Từ năm 2019 trở lại đây, bãi bồi đã bị ăn sâu vào gần 100m hướng vào đất liền và kéo dài hơn 2km. Theo ước tính, gần 10ha đất đã bị trôi xuống lòng sông. Từ đầu năm 2023 đến nay, tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn rất nghiêm trọng khiến người dân vô cùng lo lắng.
Tháng 3 và tháng 4/2023, người dân xã Vĩnh Hòa liên tục có phản ánh về tình trạng các tàu hút cát trong phạm vi mỏ số 18 liên tục cắm vòi vào bờ, xé toạc những bãi bồi ven sông trồng ngô, khoai, đậu… của người dân.
Ghi nhận vào các ngày 11, 12, 17/4, chúng tôi thấy các tàu hút cát hoạt động rất gần bờ sông (cách khoảng từ 10 - 20m). Nghiêm trọng nhất là vào trưa 11/4, có 2 tàu cắm thẳng vòi hút vào phần đất bãi bồi của hộ ông Phạm Văn Kính (trú thôn Nghĩa Kỳ). Đứng trên bờ, ông Kính hướng về phía 2 tàu cát sau đó bất lực ra về. Sau khi 2 tàu này rời đi, chúng tôi đến bãi bồi trên và thấy dưới mép sông vẫn đang sủi bọt vàng vì vừa có đám đất bị dòng nước nuốt chửng.
Thời điểm cuối năm 2022, tại các điểm sạt lở ở khu vực bãi bồi ven sông này, cây cỏ đã mọc ra khá nhiều, chứng tỏ sạt lở không có diễn biến mới phức tạp. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2023, cả một đoạn sông dài gần 100m đang có những vết sạt mới rất nghiêm trọng, tạo thành những vách taluy dựng đứng cắm sâu vào bờ.
Bà Trịnh Thị Sơn (70 tuổi, trú thôn Nghĩa Kỳ) cho biết: Năm 2014, gia đình bà có gần 1 mẫu đất (khoảng 3.600m2) để trồng hoa màu và cỏ voi. Đến nay, số đất trên chỉ còn lại khoảng 3 sào (hơn 1.000m2), lại đang tiếp tục sạt lở, ăn sâu vào diện tích trồng ngô.
Cùng chung sự lo lắng như bà Sơn, anh Lê Văn Đại (40 tuổi, trú thôn Nghĩa Kỳ) cho biết: 9 năm trước, gia đình anh đấu thầu được gần 2ha đất bãi bồi ở khu vực bờ sông. Tuy nhiên, từ khi mỏ cát số 18 xuất hiện, anh thường xuyên phải đối diện với tình trạng tàu hút cát tiến sát vào bờ sông, móc ruột bãi bồi nhà mình. “Đến nay, diện tích đất canh tác của gia đình chỉ còn gần 1ha, lại đang tiếp tục bị sạt lở. Bây giờ, gia đình không dám trồng nhiều hoa màu nữa vì bờ sông rồi sẽ tiếp tục lở mà thôi” - anh Đại buồn rầu nói.
Người dân xã Vĩnh Hòa bị mất đất sản xuất, còn ở phía bên kia bờ sông, bà con thôn Sét, xã Định Hải (huyện Yên Định) cũng rất bức xúc bởi nhiều tàu cát hút sát bờ kè tuyến đê hữu sông Mã, tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở nhà cửa. Ngoài ra, việc hoạt động của các tàu cát còn gây tiếng ồn lớn, khiến người dân rất khó chịu.
Chính quyền bó tay?
Theo ông Trịnh Huy Tuyến - Trưởng thôn Nghĩa Kỳ, có gần 20 hộ dân trong thôn bị mất đất do bờ sông sạt lở. Về nguyên nhân, ông Tuyến cho rằng, do tình trạng nạo hút cát rầm rộ, hút sâu vào lòng sông Mã khiến bãi bồi bị mất chân, sau đó, đất và cát cứ lở ào ào và trôi theo dòng nước. “Đã có hàng chục nghìn m2 đất biến mất, hàng nghìn cây cối, hoa màu cũng trôi theo con sóng. Hàng chục năm qua, người dân ở thôn này sống bằng nghề trồng trọt, cả năm chỉ mong thu về mấy vụ ngô, vụ khoai để có kế sinh nhai, vậy mà, kể từ khi mỏ cát xuất hiện, mọi thứ đã bị đảo lộn hoàn toàn” - ông Tuyến chia sẻ.
Được biết, để đối phó với nạn “cát tặc”, người dân tại 2 thôn Giang Đông và Nghĩa Kỳ đã nhiều kêu gọi nhau ra bờ sông canh gác cả ngày lẫn đêm. Mỗi khi có thuyền vào hút cát thì nồi, niêu, mâm, bát, xô, chậu… được bà con huy động ra để gõ, xua đuổi. Thời gian trước, UBND huyện Vĩnh Lộc có lắp 2 chiếc camera và dự định lập chòi tại bờ sông để theo dõi cát tặc. Tuy nhiên, đến nay, cả 2 camera đã “không cánh mà bay”, còn việc lập chòi cũng chỉ thực hiện được một thời gian ngắn.
Ông Nguyễn Văn Truy - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa cho biết: Lòng sông Mã đoạn chảy qua xã hiện đã ở độ sâu lên tới hơn 20m. Hiện nay, địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý mỏ cát số 18 do lực lượng thì mỏng, nguồn kinh phí, phương tiện thì thiếu. Trước tình trạng sạt lở, chính quyền địa phương đã tổ chức cho đóng cọc tre, đổ đất đá để gia cố bờ sông nhưng hầu như đều không hiệu quả.
Lực lượng thường trực ở địa phương chỉ còn 4 Công an và 2 dân quân. Mỗi ngày, họ vừa phải lo an ninh trật tự, vừa phải lo cấp các giấy tờ khác cho nhân dân. Với cán bộ Địa chính, Phó Chủ tịch cũng như thế, họ vừa phải lo công tác chuyên môn, vừa phải đi địa bàn rất nhiều. Hơn nữa, xã không có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động cho các tổ tuần tra, đồng thời, cũng không có phương tiện như ca nô để truy đuổi cát tặc. Trên thực địa, mỏ cát 18 cũng giáp ranh với mỏ cát số 52 ở xã Định Hải nên công tác đấu tranh, bảo vệ bờ sông là rất khó khăn” - ông Nguyễn Văn Truy - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa phân trần.
(Còn nữa)