Tàu không vào ga Hải Phòng, đường sắt sẽ gặp khó
Vận tải hành khách tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội sẽ đối mặt với nhiều khó khăn nếu tàu khách không được vào ga Hải Phòng đón, trả khách...
Tàu chạy trong nội đô gây ách tắc giao thông?
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng vừa yêu cầu dự kiến phương án chuyển các chuyến tàu ban ngày từ ga Hải Phòng về ga Thượng Lý. Yêu cầu trên xuất phát từ ý kiến của một số cơ quan chức năng Hải Phòng cho rằng, tàu khách ra vào ga Hải Phòng vào ban ngày gây ách tắc giao thông nghiêm trọng nội đô, đe dọa mất an toàn.
Tuy nhiên, theo các đơn vị của ngành đường sắt, ý kiến cho rằng đường sắt gây ách tắc nội đô Hải Phòng là không thuyết phục. Bởi thực tế, tuyến đường sắt chỉ đi qua rất ít tuyến phố.
Để làm rõ vấn đề này, đầu tháng 10/2019, PV Báo Giao thông trực tiếp ghi nhận tại một số đường ngang trong khu đoạn ga Thượng Lý về ga Hải Phòng. Theo đó, tính từ cầu Tam Bạc về đến ga Hải Phòng, tàu chỉ đi qua 4 tuyến phố đông đúc gồm: Trần Nguyên Hãn, Cát Cụt, Mê Linh, Cầu Đất.
Tại chắn đường ngang Trần Nguyên Hãn, chị Trịnh Thị Huệ, nhân viên gác chắn cho biết, đường ngang này gần ngay ngã ba giao giữa phố Hai Bà Trưng và phố Trần Nguyên Hãn. Cách chắn về hai phía chỉ khoảng vài trăm mét là hai ngã tư Tam Kỳ, An Dương có tín hiệu giao thông đường bộ đèn xanh - đèn đỏ. Cũng cách chắn trong vòng bán kính khoảng 200-300m là Bệnh viện Đa khoa Việt Tiệp, chợ An Dương và trường học nên lượng người và xe qua lại đường ngang này rất đông. Mỗi khi có tàu qua, các phương tiện ùn ứ trước chắn.
Ghi nhận của PV tại đây, vào khoảng hơn 8h, khi chuyến tàu HP1 từ Hà Nội về Hải Phòng và vào khoảng hơn 9h, khi tàu LP6 đi Hà Nội qua chắn, các loại xe dàn hàng ngang, tràn cả sang làn chiều ngược lại để chờ tàu qua. Ô tô nối đuôi nhau thành hàng dài. PV đoán chắc sẽ mất nhiều thời gian thông đường khi tàu qua hết đường ngang, chắn mở. Tuy nhiên, trái với suy đoán, cảnh ùn ứ chỉ trong khoảng 1-2 phút; rất nhanh chóng, các phương tiện trở về đúng làn, đường đông nhưng không tắc.
Còn tại đường ngang trên các tuyến phố Cát Cụt, Mê Linh, Cầu Đất lại khá thông thoáng. Phố Cát Cụt là đường hai chiều nhưng lưu lượng xe không đông. Phố Mê Linh, Cầu Đất tuy đông nhưng là đường một chiều nên mỗi khi tàu qua chỉ ùn ứ ít phút.
Ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Hải Phòng cho biết, hàng ngày trên tuyến này có 8 chuyến tàu khách đi và về, trong đó 6 chuyến đi và về ga Hải Phòng vào ban ngày nhưng không vào giờ cao điểm. Từ năm 1995, ngành đường sắt đã không tổ chức chạy tàu vào giờ cao điểm trên khu gian Hải Phòng - Thượng Lý, sáng từ 6h30 - 8h, chiều từ 16h30 - 18h00. Còn tàu hàng chủ yếu chạy vào ban đêm, ban ngày chỉ 1-2 chuyến.
Vận tải đường sắt sẽ gặp khó
Ghi nhận của PV tại ga Hải Phòng, ở đây có phòng đợi tàu rộng, đầy đủ tiện nghi phục vụ hành khách. Mái che, ke ga rộng, đảm bảo che mưa, nắng, an toàn cho hành khách đợi tàu. Quảng trường trước ga rộng hàng nghìn m2, có bãi đỗ xe, trông xe; các phương tiện thoải mái dừng, đỗ đưa đón hành khách.
“
Nếu tàu khách chỉ đón, trả khách ở ga Thượng Lý thì vẫn phải tác nghiệp kĩ thuật, chỉnh bị đầu máy, toa xe, cấp nhiên liệu tại ga Hải Phòng. Còn nếu di dời các cơ sở phụ trợ, kĩ thuật như trạm đầu máy, toa xe ra ga Thượng Lý thì tiền đâu ra, mặt khác phải có mặt bằng để xây dựng… Hơn nữa, việc đầu tư vào hạ tầng đường sắt quốc gia phải tuân theo quy hoạch về phát triển GTVT đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không phải thích đầu tư nhà ga ở đâu cũng được.
Ông Phan Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN
”
Trong khi đó, ga Thượng Lý khá nhỏ, phòng đợi chỉ khoảng 40m2. Một nhân viên khách vận cho biết, những hôm khách lên tàu đông, nhất là dịp lễ, Tết, phòng đợi không chứa đủ, khách phải đứng tràn ra cả đường ke. Nhưng ke ga không có mái che nên khách khá vất vả những khi mưa, nắng nóng. Phía trước cửa ga là tuyến phố nối với đường 5 cũ, lưu lượng ô tô qua lại đông. Nếu hàng trăm hành khách đổ về ga sẽ gây ách tắc đường bộ ở khu vực này.
Một cán bộ ga Hải Phòng khẳng định, không thể lập tàu tại ga Thượng Lý với năng lực hạ tầng kĩ thuật như hiện nay. Hiện, ga Hải Phòng là ga lập tàu, có đầy đủ các cơ sở phụ trợ như: Trạm đầu máy chỉnh bị, cấp dầu, cấp nhiên liệu cho đầu máy; trạm khám chữa, chỉnh bị toa xe; nhà lưu trú cho nhân viên đi tàu nghỉ ngơi. Ga có 9 đường đón gửi và tập kết toa xe; 5 đường để xếp dỡ và chỉnh bị đầu máy, toa xe nên khi đoàn tàu dài đến 17-18 toa xe, nhà ga vẫn đáp ứng được.
Trong khi đó, ga Thượng Lý chỉ là ga dọc đường, không có các cơ sở hạ tầng kĩ thuật phụ trợ. “Còn nếu lập tàu tại ga Hải Phòng, rồi chạy rỗng ra ga Thượng Lý đón khách hoặc ngược lại, trả khách tại ga Thượng Lý xong, tàu về ga Hải Phòng để tác nghiệp, vẫn phải đi qua các đường ngang trong khu gian này”, vị này nói.
Ông Trần Văn Hạnh cho biết, ngày thường khách đi tàu khoảng 200-300 người/đoàn nên chưa thấy rõ áp lực lên hạ tầng nhà ga. Nhưng ngày lễ, Tết, đoàn tàu dài 17 toa xe với khoảng 1.000 hành khách, chưa kể người thân đón tiễn, càng cần năng lực hạ tầng nhà ga phải đảm bảo cả về kĩ thuật và chất lượng phục vụ.
Cũng theo ông Hạnh, nếu không cho tàu khách vào ga sẽ gây khó khăn lớn cho vận tải đường sắt. Hiện, vận tải đường sắt đang phải cạnh tranh khốc liệt với ô tô chất lượng cao trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Dù từ năm 2017 đến nay, ngành đường sắt đã nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ, đưa nhiều toa xe được cải tạo, nâng cấp hiện đại vào chạy tàu trên tuyến, trên tàu lại có wifi, vệ sinh toa xe sạch sẽ nhưng vẫn “thua” ô tô. “Chỉ tính trong nội thành Hải Phòng đã có 4 bến xe với hàng trăm đầu xe đi Hà Nội, tần suất 5 phút/chuyến. Còn ngay cạnh ga Thượng Lý là bến xe Thượng Lý. Nếu “dời” tàu về ga Thượng Lý, khách sẽ di chuyển xa thêm khoảng 4km, liệu khách có chọn đi tàu, hay sẽ lựa chọn ô tô?”, ông Hạnh nói.