Tàu khu trục Mỹ thực hiện 'hoạt động tự do hàng hải' trên Biển Đông lần thứ 2 trong vòng một tuần
Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ thông báo tàu khu trục USS Benfold đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải gần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần.
Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ ngày 16-7 thông báo tàu khu trục USS Benfold (DDG 65) của nước này đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải gần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, theo hãng tin Reuters.
“Vào ngày 16-7, USS Benfold (DDG 65) khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông gần quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế” - thông báo của Hải quân Mỹ cho biết.
“Các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và sâu rộng ở Biển Đông gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, giao thương tự do và thương mại không bị cản trở cũng như tự do cơ hội kinh tế cho các quốc gia ven Biển Đông” - người phát ngôn Hải quân Mỹ, Trung úy Mark Langford, cho hay.
Đồng thời, theo thông báo của Hạm đội 7, luật pháp quốc tế theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 cung cấp một số quyền và tự do cùng việc sử dụng biển hợp pháp vùng biển cho tất cả quốc gia. Cộng đồng quốc tế có vai trò lâu dài trong việc duy trì quyền tự do tại các vùng biển, vốn rất quan trọng đối với an ninh, ổn định và thịnh vượng toàn cầu.
Đây là lần thứ tư trong năm 2022 Hải quân Mỹ thông báo thực hiện hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông và là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần đối với tàu USS Benfold nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại vùng biển này.
Trước đó vào ngày 13-7, tàu khu trục USS Benfold (DDG 65) đã thực hiện tuần tra tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép).
Cùng ngày, ông Điền Quân Lý - người phát ngôn Chiến khu Nam bộ của quân đội Trung Quốc - cho biết quân đội nước này đã triển khai lực lượng không quân, hải quân theo dõi và xua đuổi tàu khu trục USS Benfold của Mỹ hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp khác trên các vùng biển của Việt Nam được xác lập trên cơ sở UNCLOS năm 1982. Mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển đó đều vô giá trị và không được công nhận.