Tàu khu trục Zumwalt: Chiến hạm đến từ tương lai của Mỹ
Siêu tàu khu trục lớp Zumwalt ngay từ khi chưa ra đời đã được gọi là thứ vũ khí phi hạt nhân vô cùng đáng sợ trên biển hay những chiến hạm đến từ tương lai.
Dự án đóng “siêu tàu khu trục tàng hình” USS Zumwalt (DDG-1000) được khởi công từ năm 2010. Đây được coi là chương trình phát triển tàu chiến tốn kém nhất của Hải quân Mỹ, với chi phí để đóng mỗi chiếc ước tính lên tới gần 8 tỷ USD/chiếc, tức là gấp hơn 3 lần số tiền phải bỏ ra cho mỗi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke.
Có lẽ cũng chính vì lý do đó mà ban đầu Mỹ dự kiến đóng 32 tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt nhưng cuối cùng giảm xuống chỉ còn 3 chiếc với tên gọi lần lượt là: USS Zumwalt, USS Michael Monsoor và USS Lyndon B.Johnson.
Các tàu khu trục lớp Zumwalt có lượng giãn nước 14.564 tấn, dài 182m, rộng 24,6m, mớn nước 8,4m, tốc độ tối đa 56 km/h, thủy thủ đoàn gồm 142 người. Trước đây, tàu được trang bị hai hệ thống pháo điện từ AGS 155mm, với khả năng tấn công phá hủy cơ sở hạ tầng ven biển và tàu chiến lớn của đối phương từ khoảng cách 100km.
Tuy nhiên, theo tạp chí Forbes, Hải quân Mỹ mới đây đã đề nghị Quốc hội nước này cấp thêm kinh phí để trang bị các tên lửa siêu vượt âm thuộc chương trình Vũ khí Tấn công thông thường (CPS) cho 3 tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt, thay thế cho hệ thống pháo điện từ trên các tàu này. Sự xuất hiện của 12 tên lửa siêu thanh trên mỗi khu trục hạm Zumwalt được kỳ vọng sẽ giúp các tàu chiến loại này có vũ khí tấn công mạnh hơn cùng khả năng tấn công tầm xa và linh hoạt, từ đó tung ra những đòn tấn công chính xác nhằm vào các mục tiêu của đối phương, đồng thời giảm nguy cơ bị phản công.
Một trong những ưu điểm nổi trội nhất của USS Zumwalt, USS Michael Monsoor hay USS Lyndon B.Johnson chính là khả năng tàng hình ưu việt giúp những tàu chiến này dễ dàng qua mắt radar của đối phương.
Cùng với đó là thiết kế phù hợp cho hoạt động chiến đấu ở các khu vực ven bờ biển, thực hiện các nhiệm vụ tấn công trên bộ và hỗ trợ hỏa lực cho hải quân. Người ta đã giả định rằng, trong trường hợp chiến tranh, các tàu khu trục lớp Zumwalt sẽ tiến sát bờ biển của đối thủ, bắn phá các mục tiêu, sau đó thực hiện nhiệm vụ tấn công đổ bộ, vô hiệu hóa tuyến phòng thủ của đối phương.
Thế nhưng, cũng đã xuất hiện không ít những cuộc cãi vã liên quan đến dự án phát triển những chiếc tàu chiến đắt đỏ này. Chẳng hạn, trước đây một số chuyên gia quân sự chỉ trích rằng thiết kế của các tàu khu trục lớp Zumwalt nhìn bề ngoài có vẻ hiện đại, song khó có thể đứng vững khi hoạt động trong điều kiện biển động mạnh và thậm chí có nguy cơ bị lật nếu gặp sóng lớn.
Đáp lại những hoài nghi đó, đầu tháng 3 vừa qua, Hải quân Mỹ thông báo các tàu khu trục này đã vượt qua hai đợt thử nghiệm mang tính bước ngoặt, trong đó khu trục hạm USS Zumwalt đã di chuyển giữa biển động với sóng cao 4-6m ngoài khơi bang California và Alaska.
Loren Thompson, chuyên gia quân sự thuộc Viện Lexington tại bang Virgina của Mỹ thì lại cho rằng, một trong những vấn đề lớn mà Hải quân Mỹ gặp phải đó là hối hả đưa những chiến hạm mới đầy tham vọng vào sản xuất trước khi thiết kế, công nghệ của chúng được hoàn thiện và thử nghiệm đầy đủ, và những tàu khu trục lớp Zumwalt là một ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, Zumwalt không chỉ là lớp tàu khu trục lớn nhất mà còn sở hữu thiết kế đột phá và kho vũ khí mạnh nhất mà Mỹ từng chế tạo, từ đó tạo động lực quan trọng cho khả năng chiến đấu trên biển của hải quân nước này, đồng thời giúp Washington có được lợi thế không nhỏ trước các cường quốc khác trên hành trình “thống trị đại dương”.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/tau-khu-truc-zumwalt-chien-ham-den-tu-tuong-lai-cua-my-ar621741.html