Tàu khu trục Zumwalt của hải quân Mỹ: Làm nên lịch sử hay chỉ là cường điệu?
Một từ có thể được dùng để gọi chung về tàu khu trục lớp Zumwalt của Hải quân Mỹ: 'gây tranh cãi'. Đó là mô tả của trang 1945 về siêu khu trục hạm này.
Được thiết kế như một lớp tàu chiến tàng hình đa nhiệm vụ mới, tập trung tấn công trên bộ, vì vậy các tàu chiến này được trang bị hệ thống động lực chạy điện hiện đại, thiết kế tàng hình, cùng công nghệ chiến đấu và vũ khí mới nhất. Nhưng liệu con tàu có ôm đồm quá nhiều công nghệ mới không?
Tàu chiến thế kỷ 21
Các chiến hạm này có thiết kế giống “khoa học viễn tưởng”, nhưng lịch sử đã chỉ ra rằng các thiết kế mới có thể có vấn đề.
Được phân loại là tàu khu trục, lớp Zumwalt lớn hơn bất kỳ tàu khu trục nào đang hoạt động hoặc thậm chí là tàu tuần dương. Nhưng nó cũng đáp ứng nhiệm vụ của Quốc hội Mỹ giao phó đối với một tàu chiến có hệ thống hỏa lực tương đương một thiết giáp hạm. Các tàu chiến mới này được phát triển để có thể thực hiện một loạt các nhiệm vụ răn đe, thi triển sức mạnh, kiểm soát và chỉ huy trên biển, có thể hoạt động trong cả môi trường biển xa và gần bờ.
Thân tàu nhọn tạo khả năng đi xuyên sóng, được sắp xếp hợp lý với “hình dạng giống như con dao”, giúp con tàu chiến dài tới 200m nhưng độ phản xạ radar hiệu dụng chỉ ngang một tàu đánh cá cỡ nhỏ. Và bất chấp những lo ngại về độ ổn định của thân tàu, khi nó được thử nghiệm vào tháng 1 năm 2020 ngoài khơi bờ biển Alaska, tàu đầu của lớp, USS Zumwalt (DDG-1000), đã thể hiện khả năng vượt sóng lớn tốt hơn các tàu khu trục tiền nhiệm.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã không suôn sẻ đối với lớp tàu chiến tối tân của Hải quân Mỹ. Một bài báo năm 2016 trên The National Review thậm chí còn mô tả con tàu là "một thảm họa không thể cứu vãn", sau khi con tàu đầu tiên được đóng trị giá 4 tỷ USD bị hỏng lúc đi qua kênh đào Panama, chỉ một tháng đưa vào hoạt động.
Chương trình đóng tàu lớp Zumwalt cũng phải đối mặt với nhiều lần phải trì hoãn và đội chi phí, ngay cả khi Hải quân Mỹ nói việc hoàn thành chuyển giao tàu chiến lớp này là một “cột mốc quan trọng”. Ban đầu, họ dự định mua hơn 20 tàu, nhưng con số đó đã giảm xuống chỉ còn ba chiếc bởi chi phí tăng cao và nhiều câu hỏi đặt ra về vai trò thực sự của lớp tàu Zumwalt.
Vai trò tấn công bờ
Vấn đề là làm thế nào các tàu chiến tối tân này có thể hoàn thành nhiệm vụ chính là tấn công đất liền. Là một thế hệ tàu chiến mới, các tàu lớp Zumwalt-class được trang bị hai hệ thống pháo AGS 155mm tiên tiến, có khả năng nhắm mục tiêu thấp với đạn pháo dẫn đường chính xác ở khoảng cách lên đến 100km. Trong thời chiến, những tàu khu trục này có thể sử dụng khả năng đó để tấn công các mục tiêu gần bờ để mở đường cho một cuộc đổ bộ.
Vấn đề là đạn tấn công đất liền tầm xa (LRLAP), loại đạn dẫn đường chính xác được sử dụng cho AGS, có giá 50.000 USD - 800.000 USD mỗi viên, là quá đắt đỏ. Hải quân Mỹ vẫn chưa tìm được loại đạn thay thế. Vấn đề này thậm chí còn được đề cập trong một báo cáo của Văn phòng Giải trình Trách nhiệm Chính phủ (GAO), trong đó nói về các vấn đề với vũ khí trang bị của tàu Zumwalt.
Trong năm qua, Hải quân Mỹ đã tìm kiếm những lựa chọn khác thay cho AGS, và kết quả là vai trò của các tàu khu trục Zumwalt đã thay đổi từ tấn công trên bộ sang tấn công đối hạm - và các sửa đổi có chi phí khoảng 1 tỷ đô la, GAO ghi nhận, theo tin của Business Insider.
Vào tháng 10 năm 2020, Hải quân Mỹ tuyên bố DDG 1000 đã thực hiện thành công cuộc thử nghiệm bắn đạn thật đầu tiên với Hệ thống phóng thẳng đứng MK 57 với Tên lửa Tiêu chuẩn (SM-2). Hải quân Mỹ cho biết trong các cuộc thử nghiệm, USS Zumwalt cũng đã thể hiện khả năng phát hiện, theo dõi và đối phó với mối đe dọa từ tên lửa hành trình chống hạm bằng SM-2.