Tàu lai dắt đầu tiên trên thế giới chạy bằng điện
Tại bến cảng Auckland hôm 21/6/2022, con tàu lai dắt đầu tiên chạy bằng điện đã mở đường cho hoạt động hàng hải không phát thải của New Zealand.
Sáu năm trước, ý tưởng về một chiếc tàu kéo chạy hoàn toàn bằng điện dường như rất khó thực hiện, và kế hoạch của kỹ sư hàng hải Allan D'Souza vấp phải sự hoài nghi, theo tờ AutoEvolution.
Tuy nhiên, Allan D'Souza đã thuyết phục được chính quyền Auckland phê chuẩn dự án và ông đã trở thành kỹ sư trưởng dự án tàu lai dắt thuần điện, mang tên Sparky.
Được chế tạo bởi xưởng đóng tàu Damen nổi tiếng của Hà Lan, Sparky là chiếc đầu tiên trong loạt tàu RSD-E Tug, thế hệ tàu kéo dùng động lực đẩy bằng mô tơ điện.
Ngoài 2 động cơ đẩy phương vị với chân vịt có đường kính lớn, tàu Sparky được trang bị đến 2.240 khối pin, xếp kín trên 80 giá đỡ pin trong khoang.
Với tổng điện năng tích trữ đạt 2.784 kWh, tàu lai dắt điện có thể hoàn thành 4 lượt lai kéo những con tàu lớn, chỉ với một lần sạc.
Con tàu cần 2 giờ để sạc đầy trở lại và trang bị kèm hai tổ máy phát điện dự phòng 1.000 kW nhưng chỉ để đối mặt với các tình huống khẩn cấp.
Với chiều dài 24,7 mét, tàu kéo Sparky tự hào có sức kéo mạnh ngang với tàu kéo dùng động cơ diesel mạnh nhất hiện có của cảng Auckland.
Giống như các cảng lớn khác, chẳng hạn như cảng Gothenburg ở Đức, cảng của thành phố lớn nhất New Zealand đang có kế hoạch tiến đến không phát thải vào năm 2040.
Sự ra mắt của Sparky là một bước tiến lớn theo hướng đó. Con tàu tiên phong này sẽ giúp cắt giảm 465 tấn CO2 thải ra mỗi năm.
Một lợi ích khác sẽ là chi phí vận hành sẽ giảm mạnh, chỉ còn một phần ba so với tàu lai dắt chạy bằng động cơ diesel truyền thống.
Trong 6 tuần tới, tàu lai dắt điện tiên phong của New Zealand sẽ được thử nghiệm quanh khu vực Auckland, trước khi sẵn sàng hoạt động dịch vụ.
Thêm hình ảnh về con tàu lai dắt chạy bằng điện đầu tiên của thế giới