'Tàu ma' khổng lồ 2.000 tuổi 'hiện hồn' nhờ sóng âm
Sử dụng kỹ thuật sonar thăm dò đáy biển bằng sóng âm, các nhà khoa học đã phát hiện hình bóng lờ mờ như một 'tàu ma' dài đến 34 m, ẩn mình dưới bùn sâu Địa Trung Hải.
Nhóm các nhà khảo cổ và thợ lặn đến từ Đại học Patras và Câu lạc bộ Lặn Biển (Hy Lạp) đã phát hiện ra một "bóng ma" ở khu vực gần đảo Kefallinia của Hy Lạp, thuộc biển Ionia - đông Địa Trung Hải.
Các tác giả, đứng đầu bởi tiến sĩ Xenophontas Dimas (Đại học Patras) đã dùng sonar, một kỹ thuật mà các nhà nghiên cứu hay sử dụng để khảo sát địa vật lý biển, sử dụng sóng âm phản xạ để xác định các vật thể bất thường.
Vật thể lờ mờ, ma quái hình một chiếc tàu đã được xác định từ năm 2013. Từ đó cho đến nay, các nhà khảo cổ đã dốc tâm sức cho công cuộc khai quật.
Kết quả khai quật cho thấy nó là một tàu buôn La Mã có niên đại khoảng 1.900-2.100 năm, tức khoảng thế kỷ 1 trước Công nguyên cho đến thế kỷ 1 sau Công Nguyên. "Tàu ma" bí ẩn này dài tới 34 m, rộng 13 m và chở nặng cổ vật, là con tàu đắm lớn nhất từng được phát hiện ở phía đông Địa Trung Hải. Nó đã ẩn mình dưới lớp bùn ở đáy biển, nên đã vô hình trước các biện pháp khảo sát thông thường trước đó.
Tàu ma vĩ đại này mang tên Fiscardo, đó cũng là tên của một cảng quan trọng trong khu vực vào năm 146 trước Công Nguyên đến 330 sau Công Nguyên. Đến nay, đó vẫn là một cảng cá lớn và vẫn mang tên Fiscardo.
Một điểm bí ẩn khác của tàu ma Fiscardo là các bằng chứng cho thấy nó không hề bị chìm vì thiên tai, mà lặng lẽ an nghỉ ở đáy biển trong một ngày trời yên bể lặng, không rõ vì sao. Nó đã mang theo mình tới 6.000 chiếc bình amphorae, một loại bình cổ có 2 quai, thân bầu, cổ thon nhỏ, thường được trang trí rất đẹp đẽ và phổ biến thời đó.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Journal of Archaeological Science.