Tàu NASA tìm thấy nơi rất giống Trái Đất ở hành tinh khác
Địa hình dạng sóng giống Trái Đất tại một khu vực trên hành tinh đỏ có thể cung cấp các manh mối mới về lịch sử sự sống.
Phân tích dữ liệu từ Tàu quỹ đạo Trinh sát Sao Hỏa (MRO) của NASA, nhóm khoa học gia từ Đại học Rochester (Mỹ) đã khám phá ra một số đặc điểm đất trên Sao Hỏa rất giống với các mẫu đất hình sóng được thấy ở vùng Bắc Cực và dãy núi Rocky của Trái Đất.
Điều này cho thấy rằng bất chấp sự khác biệt ngày nay, cả hai hành tinh có thể dã cùng được định hình bởi các lực vật lý và quá trình môi trường băng giá tương tự.

Tàu MRO của NASA hoạt động trên Sao Hỏa - Ảnh: NASA
Viết trên tạp chí khoa học Icarus, các tác giả cho biết phát hiện mới đã cung cấp manh mối mới về lịch sử khí hậu của Sao Hỏa, các loại môi trường có thể đã từng hỗ trợ sự sống và các quá trình vật lý liên quan khác.
Theo SciTech Daily, kiểu địa hình này ở hai thế giới Trái Đất - Sao Hỏa chỉ khác biệt nhiều nhất là ở độ cao: Các phần cao nhất của "sóng" trên Sao Hỏa cao hơn ở Trái Đất khoảng 2,6 lần.
Các nhà nghiên cứu cho biết sự chênh lệch độ cao này là do các đặc tính vật lý của đất và lực hấp dẫn yếu hơn của Sao Hỏa cho phép các cấu trúc địa chất phát triển cao hơn trước khi sụp đổ.
Trên Trái Đất, địa hình dạng sóng này hình thành khi mặt đất đóng băng và tan băng một phần, làm đất đủ lỏng để nó từ từ trườn xuống dốc theo thời gian.
Vì vậy, Sao Hỏa có thể đã trải qua các chu kỳ đóng băng - tan băng giống như Trái Đất, mặc dù các chu kỳ của Sao Hỏa có thể được thúc đẩy bởi sự thăng hoa - tức băng trực tiếp chuyển thành hơi - thay vì sự tan băng dựa trên nước lỏng.
Tuy sự sống Sao Hỏa có thể không tồn tại ở các khu vực địa hình dạng sóng này, nhưng với lịch sử khí hậu tương đồng Trái Đất mà nó phản ánh, một cánh cửa cho sự sống có thể mở ra ở những nơi khác.
Đó là tin vui cho NASA: Các nhà khoa học NASA khá tin tưởng về khả năng tồn tại sự sống của Sao Hỏa và từng chỉ ra các đặc điểm cho thấy hành tinh này từng có nước trong quá khứ.