Tàu ngầm hạt nhân Kazan Nga tới Cuba - Mỹ tung 'sát thủ săn ngầm' P-8 Poseidon trong lo lắng
Từ ngày 12 đến 17-6, hạm đội tàu hải quân Nga gồm tàu khu trục Đô đốc Gorshkov, tàu ngầm hạt nhân tấn công Kazan, tàu tiếp dầu Akademik Pashin và tàu cứu hộ Nikolai Chiker ghé thăm cảng Havana của Cuba. Đây được cho là một phần trong các hoạt động thường lệ của hải quân Nga tại vùng biển Caribe.
Người dân Cuba háo hức chào đón sự hiện diện của hạm đội tàu chiến như một biểu tượng của tình hữu nghị hợp tác giữa hai quốc gia. Nhiều người chờ đợi khoảnh khắc được lên tham quan, tận mắt chiêm ngưỡng hạm đội tàu chiến hiện đại vào bậc nhất thế giới này.
Trong khi đó, dù đã khẳng định việc triển khai hạm đội tàu hải quân Nga tới Cuba “không gây ra mối đe dọa trực tiếp nào cho Mỹ”, song Washington dường như không tránh khỏi lo lắng và thận trọng.
Naval News cho hay, theo giới quan sát, ngay trước thời gian hạm đội Nga dự kiến cập cảng Havana, Hải quân Mỹ đã phóng “sát thủ săn ngầm” P-8 Poseidon lên bầu trời. Tài khoản trên mạng xã hội X của Civil Defense News viết: “Sát thủ săn ngầm” P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ đang bay qua bờ biển Florida để tìm kiếm tàu ngầm hạt nhân Nga”. P-8A Poseidon là loại máy bay tuần tra trên biển tầm xa, được trang bị hàng loạt hệ thống trinh sát và phát hiện tàu ngầm, có thể mang theo ngư lôi chống ngầm, tên lửa, bom và nhiều loại vũ khí hiện đại khác.
Không lâu sau đó, tài khoản này tiếp tục đăng tải: “Tàu ngầm hạt nhân Nga Kazan đang ngoài khơi Cuba, ở vị trí cách bờ biển Florida 66 dặm, được trang bị tên lửa Kalibr có tầm bắn 4.500km”.
Các chuyên gia chỉ ra rằng Mỹ hợp tác chặt chẽ với Hải quân Hoàng gia Canada trong cuộc theo dõi sát sao này. Để hỗ trợ nỗ lực của Washington, Ottawa đã tung máy bay Lockheed P-3 Orion phối hợp tuần tra cùng P-8 Poseidon của Mỹ.
Mọi sự chú ý của cả công chúng và giới chuyên môn đều đổ dồn vào sự xuất hiện của tàu ngầm hạt nhân Kazan, một trong những loại tàu ngầm hiện đại nhất thế giới. Theo Naval News, điểm tạo nên sự khác biệt của Kazan là khả năng tàng hình vượt trội của nó. Thiết kế hình dạng khí động và ngói thủy âm làm từ cao su xử lý đặc biệt khiến tàu ngầm hoạt động rất êm và giảm tối thiểu bộc lộ từ tính khi lặn. Điều đó có nghĩa là khi lặn dưới nước, Kazan gần như không thể bị phát hiện nhờ khả năng ngụy trang đỉnh cao cùng khả năng vận hành cực kỳ êm ái. Kazan có thiết kế “lai” kết hợp khả năng tấn công của tàu ngầm tấn công nhanh (SSN) với sức mạnh phòng thủ của tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa dẫn đường (SSGN). Bản chất “lai” của nó bắt nguồn từ sự phát triển của công nghệ tên lửa giúp tạo ra các loại tên lửa có sức hủy diệt cao với kích thước nhỏ hơn. Kết quả là kích thước thân tàu ngầm có thể giảm xuống mà không ảnh hưởng đến các loại vũ khí được trang bị trên tàu ngầm. Kazan trang bị nhiều loại vũ khí tối tân, bao gồm tên lửa siêu vượt âm Zircon, tên lửa hành trình tầm xa Kalibr, tên lửa chống hạm, ống phóng ngư lôi…
Hệ thống động lực của tàu ngầm Kazan chạy bằng năng lượng hạt nhân, sử dụng lò phản ứng OK-650V duy nhất. Lò phản ứng này cung cấp cho tàu ngầm một lượng năng lượng đáng kể, cho phép tàu đạt tốc độ cao và phạm vi hoạt động mở rộng mà không cần tiếp nhiên liệu thường xuyên.
Độ lặn sâu tối đa của tàu ngầm Kazan là khoảng 600m. Điều này cho phép nó hoạt động hiệu quả trong môi trường nước sâu, nhờ đó tăng cường khả năng tàng hình và khả năng sống sót.
Kazan được thiết kế cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm tác chiến chống tàu ngầm, tác chiến chống tàu nổi và các nhiệm vụ tấn công trên bộ. Các tính năng tàng hình và cảm biến tiên tiến khiến nó trở thành một nền tảng mạnh mẽ giúp thu thập và giám sát thông tin tình báo.
Để đối phó và ngăn chặn bất cứ tình huống nào có thể xảy ra, trong thời gian hạm đội tàu chiến Nga neo tại cảng Havana, Lầu Năm Góc cũng đã phái tàu ngầm hạt nhân tấn công USS Helena tới trực chiến tại căn cứ hải quân Mỹ trên vịnh Guantanamo, cách nơi hạm đội tàu Nga neo đậu hơn 500 dặm.