Tàu ngầm Indonesia mất tích, ôxy còn đủ cho 3 ngày
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm qua ra lệnh nỗ lực ở mức cao nhất để tìm chiếc tàu ngầm cùng thủy thủ đoàn 53 thành viên mất tích ở vùng biển phía bắc đảo Bali. Trong khi đó, Đô đốc Yudo Margono, Tổng tham mưu trưởng Hải quân Indonesia nói rằng, tàu ngầm còn đủ khí ôxy cho 72 giờ nữa.
Ngày 22/4, CNN dẫn lời giới chức Indonesia cho biết, trước khi mất liên lạc, tàu ngầm KRI Nanggala-402 (do Đức sản xuất) xin phép lặn xuống biển lúc 3 giờ sáng 21/4 (giờ địa phương). Đô đốc Margono nói rằng, trước khi mất tích, tàu ngầm phóng 2 quả ngư lôi, một quả với đầu đạn thật và một quả với đầu đạn huấn luyện. Tàu tham gia diễn tập quân sự ở eo biển Bali nằm giữa đảo Bali và đảo Java, nối với Ấn Độ Dương và biển Bali.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng của tàu ngầm trước khi tham gia tập trận, Đô đốc Margono nói rằng, tàu và tất cả thủy thủ đoàn được chuẩn bị kỹ lưỡng. Lần cuối tàu ngầm cập cảng để bảo dưỡng là vào năm 2020 ở Surabaya, thành phố cảng trên đảo Java.
Theo quân đội Indonesia, một vụ tràn dầu (mà thiết bị giám sát trên không phát hiện gần điểm KRI Nanggala-402 lặn xuống) có thể đến từ con tàu mất tích. Đô đốc Margono nói rằng, Hải quân Indonesia cũng tìm thấy một vật thể có từ tính ở độ sâu 50-100m, nên có khả năng vật thể đó thuộc về tàu ngầm.
Theo ông Margono, có hai khả năng dẫn tới việc xuất hiện vết dầu loang trên mặt biển. Đó là bình chứa có thể bị rò rỉ vì tàu ngầm lặn quá sâu và tàu ngầm xả chất lỏng khi nỗ lực nổi lên mặt nước.
Nguyên nhân là mất điện?
Một số quan chức quốc phòng Indonesia tin là tàu ngầm bị sự cố về điện trong quá trình lặn, khiến tàu mất điều khiển, không thể nổi lên. Họ tin rằng, tàu ngầm có thể chìm xuống độ sâu 600-700m. Chuyên gia giải cứu tàu ngầm Frank Owen nói với báo Anh The Guardian rằng, KRI Nanggala-402 được thiết kế lặn ở độ sâu chưa đến một nửa mức 600-700m. “Tàu ngầm lặn được ở độ sâu khoảng 250m, nhưng vì yếu tố an toàn, chúng thường được thiết kế để có khả năng lặn ở độ sâu gấp đôi mức đó. Nhưng khi bắt đầu xuống dưới ngưỡng an toàn, ai biết chuyện gì sẽ xảy ra. Ở độ sâu đó, mọi thứ có thể vẫn nguyên vẹn, nhưng cũng có thể xuất hiện nhiều độ vênh. Nếu một thứ gì đó hỏng hóc thì tất cả sẽ hỏng theo”, chuyên gia Owen nói.
Ông Margono cho biết, trong trường hợp tàu ngầm mất điện, 53 người trong tàu có thể sống sót trong 3 ngày. “Tàu mất liên lạc lúc 3 giờ sáng qua, vì thế vẫn còn thời gian cho tới 3 giờ sáng thứ bảy. Hy vọng sẽ giải cứu được sớm để nguồn cung cấp ôxy vẫn còn”, ông nói tại cuộc họp báo hôm 22/4.
Nhiều tàu tham gia tìm kiếm
Người phát ngôn Hải quân Indonesia Julius Widjojono, nói rằng, KRI Nanggala-402 có khả năng lặn sâu 500m, nhưng giới chức đoán rằng, tàu đã xuống sâu dưới mức đó 100-200m. Hai tàu được trang bị sonar quét sườn (công cụ được dùng để vẽ bản đồ đáy biển) đã bắt đầu tìm kiếm khu vực tàu ngầm mất tích, Bộ Quốc phòng Indonesia thông báo. Trong khi đó, một tàu chiến được trang bị hệ thống sonar tinh vi có thể phát hiện chính xác vị trí tàu ngầm mất tích, đang trên đường tới hiện trường.
Giới chức bày tỏ hy vọng 53 người trong KRI Nanggala-402 vẫn an toàn, nhưng cũng thừa nhận rằng, ở độ sâu hàng trăm mét như vậy, tàu ngầm có thể gặp nguy hiểm chết người. “Hãy cùng cầu nguyện cho họ để họ có thể sống sót”, ông Widjojono nói với báo giới hôm 22/4. Tổng thống Widodo nói rằng, thủy thủ đoàn là “ưu tiên chính” của quá trình tìm kiếm. Hải quân Indonesia đang triển khai tất cả các tàu có trang bị thiết bị dưới nước để giúp tìm kiếm, cứu nạn.
Singapore và Malaysia đã điều tàu tìm kiếm, cứu nạn tới Indonesia, trong khi Mỹ, Úc, Pháp và Đức đã đề nghị được trợ giúp Indonesia, BBC đưa tin ngày 22/4.
KRI Nanggala-402 nặng 1.395 tấn được hãng đóng tàu Đức Howaldtswerke-Deutsche Werft (HDW) sản xuất năm 1977 và gia nhập Hải quân Indonesia năm 1981.