Tàu ngầm tuyệt mật Nga sẵn sàng trở lại
Theo National Interest, tàu ngầm tuyệt mật Losharik của Nga đã sẵn sàng hoạt động trở lại sau quá trình sửa chữa.
Chương trình tàu ngầm Losharik có nguồn gốc từ một đề xuất thời Liên Xô vào cuối những năm 1980 nhằm thiết kế một tàu ngầm đặc nhiệm, một phần để thay thế tàu lớp Kashalot và X-Ray. Để phù hợp với mục đích này, dự án tàu ngầm Losharik được giữ bí mật tối đa.
Nhưng cũng như với nhiều dự án quân sự đầy tham vọng của Liên Xô thời kỳ cuối Chiến tranh Lạnh, kinh phí cho dự án tàu ngầm cạn kiệt sau khi Liên Xô sụp đổ. Tuy nhiên, vai trò quan trọng của chiếc tàu ngầm dường như quá thích hợp để biện minh cho chi phí của nó dù Hải quân Nga đang thiếu thốn tứ bề.
Tàu dự án Losharik đã được tiếp tục vào đầu những năm 2000. Losharik, hay AS-31, đã được đưa vào biên chế phục vụ Cục Nghiên cứu Biển sâu, hay còn gọi là GUGI. Về mặt kỹ thuật, đây là một tổ chức tách biệt với Hải quân Nga, GUGI đứng đầu các nỗ lực thu thập thông tin tình báo dưới nước sâu của Nga.
Cơ quan này thực thi các nhiệm vụ được cho là bao gồm các nghiên cứu bí mật liên quan đến đại dương và các hoạt động liên quan đến các phương tiện không người lái dưới nước, mặc dù các nhiệm vụ chính xác và lịch sử hoạt động của GUGI vẫn được bảo mật chặt chẽ. Trong khi thực hiện nhiệm vụ hôm 1/7/2019, tàu ngầm Losharik đã bất ngờ xảy ra hỏa hoạn.
Theo tờ New York Times của Mỹ, vụ tai nạn với Losharik cho thấy quân đội Nga vẫn đang phải đối mặt với một số vấn đề lâu dài: nhà thầu tham nhũng và vấn đề kiểm soát chất lượng trong sản xuất, chuỗi cung ứng phụ tùng và bảo trì tàu ngầm.
Ngoài ra, tờ báo còn trích dẫn các nguồn tin thân cận với một cuộc điều tra về vụ việc Losharik nói rằng khi khói được phát hiện lần đầu trong tàu ngầm, nó dường như không phải là thảm họa.
Losharik có thể đã cập mạn tàu mẹ của nó vào thời điểm đó. Sau khi thủy thủ đoàn đã sơ tán một phần, 10 thủy thủ đã ở lại để chữa cháy cùng với quân tiếp viện từ tàu mẹ.
Tình hình càng trở nên tệ hại hơn khi oxy bị cạn kiệt từ hai hệ thống hô hấp khẩn cấp trên tàu. Các thủy thủ bắt đầu hít phải khói độc, và có thể đã có một vụ nổ trong khoang chứa pin, tờ báo Mỹviết.
Ngay cả trong một chiếc tàu ngầm hạt nhân thông thường, khoảng trống trong khoang pin hẹp đến nỗi việc kiểm tra thường xuyên thường đòi hỏi phải trong tư thế nằm ngửa. Khu vực dành cho thủy thủ đoàn nhỏ và có thể nhanh chóng đầy khói.
Vụ tai nạn với chiếc tàu ngầm được đánh giá tuyệt mật Losharik xảy ra hôm 1/7/2019. Đến ngày 5/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh trao giải thưởng nhà nước Liên bang Nga cho 14 thủy thủđã anh dũnghy sinh. Sắc lệnh không ghi rõ các sĩ quan này đã hy sinh ở đâu, trong những hoàn cảnh nào, cho thấy yếu tố tuyệt mật của tình huống.
Trước đó ngày 4/7, trên trang web Điện Kremlin, cuộc trao đổi giữa ông Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu cho biết tai nạn có liên quan đến một "thiết bị năng lượng hạt nhân, và thủy thủ đoàn đã thực hiện tất cả các hoạt động cần thiết để bảo vệ. Thiết bị vẫn trong trạng thái duy trì đầy đủ khả năng hoạt động, giúp chúng tôi hi vọng khôi phục thiết bị trong một thời gian khá ngắn".
Địa điểm thảm họa chỉ được nêu là "trong hải phận nước Nga", còn "thiết bị" được đề cập hiện đã nằm ở căn cứ hải quân Severomorsk, bên bờ biển Barent.
Dù Losharik chuẩn bị quay trở lại biển cả sau thời gian sửa chữa nhưng hiện tại, việc con tàu này phải sửa chữa và thay thế những gì vẫn là điều tuyệt mật với thế giới.