Năm 1944 có thể nói là một năm khủng hoảng trầm trọng cho Hải quân Đế quốc Nhật (IJN) khi họ liên tiếp bị Hải quân Mỹ (USN) tấn công và gây thiệt hại nặng nề. Chuỗi thất bại kéo dài khiến cho các cấp chỉ huy IJN vô cùng bế tắc. Để cứu vãn cái tình thế lúc bây giờ, các chỉ huy IJN quyết định đóng thêm tàu mới.
Một câu hỏi đặt ra cho các chỉ huy IJN khi đó là nếu đóng tàu mới thì sẽ đóng tàu gì? Loại tàu chiến lớp Yamato thì tàu to pháo lớn nhưng không hiệu quả, lại còn tiêu tốn một lượng nhiên liệu khổng lồ trong khi Đế quốc Nhật đang rất cần để nuôi sống cỗ máy chiến tranh của mình.
Đóng tàu tuần dương và khu trục thì chỉ có khả năng đóng mấy chiếc nhỏ bởi do kinh phí hạn hẹp. Thế là IJN quyết định đóng mới tàu sân bay. Một phần là do sau trận Midway thì Nhật tổn thất 4 chiếc tàu sân bay và nhiều phi công kinh nghiệm.
Nền công nghiệp của Nhật Bản khi đó nếu so sánh thì chỉ là "tí hon" so với gã khổng lồ Mỹ. Thế là IJN lựa chọn phương án đóng một con tàu sân bay mà họ cho là sẽ tốt hơn lớp Enterprise và lớp Essex của Mỹ, đó là Taiho (Đại Phụng).
Taiho là con tàu sân bay "độc nhất vô nhị" của Nhật. Được bọc thép sàn đáp, mũi tàu khép kín như tàu sân bay Anh, công nghệ tối tân và hỏa lực phòng không hiện đại nhất khi so với các tàu sân bay khi đó của Nhật Bản. Tuy nhiên con tàu cũng không làm nên được gì nhiều, nó đã bị đánh chìm chỉ 3 tháng sau khi hạ thủy.
Đó là ngày 19/6/1944, trong trận chiến biển Philippines, sau khi bị trúng một quả ngư lôi từ tàu ngầm USS Albacore, các thủy thủ đã cố gắng sửa lại con tàu. Việc sửa chữa diễn ra tốt đẹp và con tàu vẫn tiếp tục tung ra những chiếc máy bay từ sàn đáp của nó.
Tuy nhiên, một sự cố hi hữu đã xảy ra khi một nhân viên trên tàu vô tình bật cửa thông gió để cho hơi xăng lan ra khắp các khoang chứa trong thân tàu (trước đó việc Taiho bị trúng ngư lôi đã khiến cho xăng dầu rơi vãi khắp tàu). Một tia lửa điện hay một mồi lửa nào đó đã khiến cho đám hơi xăng ấy bốc cháy dữ dội rồi làm con tàu nổ tung. 1.650 thủy thủ xấu số đã mãi mãi ra đi cùng Taiho.
Việc bị thiếu tàu sân bay đã khiến cho IJN phải tìm cách khác để có những chiếc tàu sân bay mới, trong đó có việc cải tạo lại từ các tàu dân sự, tàu vận tải cho đến mọi con tàu đang xây dở trong bến cảng.
Ý tưởng này đã giúp cho Nhật Bản có thêm vài chiếc tàu sân bay “bất đắc dĩ” như Junyo và Hiyo được xây lại từ tàu chở khách. Shinano - chiếc thứ ba thuộc lớp chiến hạm Yamato cũng là đối tượng được IJN cải tạo.
Shinano được cải tiến để trở thành một tàu sân bay hỗ trợ cỡ lớn, nhưng vì tình hình khó khăn khi đó nên nó chỉ được trang bị 47 tiêm kích để bảo vệ chính nó - một cục thép 70.000 tấn.
Hỏa lực phòng không của Shinano có thể nói là mạnh, nhưng số lượng pháo 25mm vẫn là không đủ để giúp con tàu chống đỡ những đợt tấn công lớn từ máy bay Mỹ. Khó khăn hơn nữa là con tàu vấp phải nhiều sai sót trong thiết kế khiến cho giáp tàu không được chắc chắn và nhiều yếu tố kỹ thuật hạn chế khác.
Nhưng giai thoại về Shinano khiến cho nó được lưu danh hậu thế chính là ở cái sự “yểu mệnh” của nó. Tàu Shinano vừa hạ thủy được có 10 ngày thì đã bị đánh chìm.
Rạng sáng ngày 29/11/1944, tàu ngầm USS Archerfish của Mỹ đã bắn trúng Shinano bằng 4 quả ngư lôi. Lớp giáp dày của tàu chiến lớp Yamato đáng lẽ ra đã có thể cứu được nó, nhưng không ngờ những vấn đề kĩ thuật đã khiến cho lớp giáp dày này trở nên vô ích.
Nước tràn vào tàu hết sức dữ dội, mà lại bị tập kích vào lúc các thủy thủ đang ngủ nên không có nhiều người có mặt để cứu con tàu. Shinano chìm vào lúc 10:57 ngày hôm đó, mang theo 1.435 thủy thủ xấu số.
Lê Quang (TH)