Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth: Biểu tượng 'Nước Anh toàn cầu' đang 'rệu rã' từ bên trong?

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth với chi phí 7 tỷ bảng Anh đang lâm vào cảnh khốn đốn: vòi sen hỏng, bê bối nội bộ và hàng loạt sự cố kỹ thuật làm lung lay niềm tự hào quốc gia của Anh.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Anh: Ảnh: telegraph.co.uk

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Anh: Ảnh: telegraph.co.uk

Với kích thước đồ sộ tương đương ba sân bóng đá, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, niềm tự hào của Hải quân Hoàng gia Anh, được mệnh danh là biểu tượng cho sức mạnh và tầm vóc "Nước Anh toàn cầu". Thế nhưng, theo tờ Telegraph (Anh) ngày 16/5, đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng của nó, một sự cố hy hữu và có phần "xấu hổ" đang làm dấy lên những hoài nghi về khả năng thực sự của cỗ máy chiến tranh trị giá hàng tỷ bảng Anh này.

Suốt sáu tháng qua, hệ thống vòi sen nước nóng trên tàu đã ngừng hoạt động do thiếu phụ tùng thay thế. Hơn 600 thủy thủ đang phải chịu cảnh tắm nước lạnh buốt giá hoặc buộc phải rời tàu để sử dụng các khu nhà tắm trên bờ tại cảng Portsmouth, nơi con tàu đang neo đậu để bảo dưỡng định kỳ.

Trong bối cảnh các chỉ huy hải quân không ngừng cảnh báo về nguy cơ Chiến tranh thế giới thứ ba, nhiều người có thể cho rằng đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt mà thủy thủ nên "cắn răng" chịu đựng. Tuy nhiên, sự bất bình âm ỉ đã bùng phát khi một thành viên phi hành đoàn giấu tên lên tiếng trên mạng xã hội: "Đã hơn 170 ngày chúng tôi không được tắm nước nóng. Sáu trăm người trên một con tàu mà không có nước ấm để tắm hàng ngày là một điều đáng xấu hổ!".

Ngay sau bài đăng gây xôn xao, Bộ Quốc phòng Anh đã nhanh chóng trấn an dư luận, khẳng định đây chỉ là vấn đề thiếu phụ tùng đơn thuần và đang được khẩn trương khắc phục để đảm bảo điều kiện sống thoải mái nhất cho những người còn lại trên tàu.

Tuy nhiên, sự cố "vòi nước nóng" không chỉ đơn thuần là một trục trặc kỹ thuật nhỏ. Nó đang trở thành một biểu hiện khác của "lời nguyền" đeo bám con tàu chủ lực này kể từ khi hạ thủy. Từ trục chân vịt bị lỗi khiến tàu không thể tham gia cuộc tập trận lớn của NATO năm ngoái, đến các sự cố rỉ nước, hỏa hoạn và những chỉ trích về năng lực quân sự, dường như con tàu này đang trở thành minh chứng cho câu ngạn ngữ "những điều tồi tệ nhất xảy ra trên biển". Một trang web quân sự của Mỹ thậm chí còn gọi con tàu dài hơn 300 m này là "một lỗi thiết kế khổng lồ".

Không phải ai cũng cảm thông với hoàn cảnh của các thủy thủ. Một số ý kiến trên mạng xã hội mỉa mai rằng nếu "hậu duệ của cường quốc hải quân Anh" lại lo lắng về việc thiếu vòi sen nước ấm thì Hải quân Hoàng gia nước này đã "rệu rã từ bên trong". Cựu thuyền trưởng Hải quân Hoàng gia Anh Gerry Northwood thậm chí còn gay gắt hơn: "Nhân viên tàu sân bay luôn có phần yếu đuối. Nếu những thủy thủ này phàn nàn về việc thiếu vòi sen nước nóng, thì thành thật mà nói, họ nên bị một cú đá vào mông".

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại có cái nhìn nghiêm túc hơn về vấn đề này. Họ cho rằng nếu một lực lượng hải quân không thể duy trì một hệ thống nước nóng đơn giản trên tàu, thì làm sao có thể đối phó với những thách thức công nghệ phức tạp của chiến tranh hiện đại? Trong môi trường kín và đông đúc của tàu chiến, việc thiếu vệ sinh cá nhân có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Đô đốc Hải quân Hoàng gia đã nghỉ hưu Chris Parry nhấn mạnh: "Nếu mọi người bắt đầu 'bốc mùi', điều đó sẽ tạo ra đủ loại vấn đề trong môi trường đó. Sẽ chẳng có ích gì khi mặc một bộ đồng phục lịch sự nếu bạn có mùi hôi bên trong. Nếu mọi người đã ở trên boong tàu canh gác suốt đêm, hoặc bị kẹt trong phòng máy nóng nực, ngột ngạt cả ngày, thì tất nhiên họ sẽ muốn tắm nước nóng, và đó cũng là vấn đề về hiệu suất nếu họ phải xuống tàu liên tục để làm như vậy".

Ông Parry cũng đặt ra câu hỏi đầy lo ngại: "Đây hẳn là một tình huống nực cười cách đây 50 năm, chứ đừng nói đến bây giờ. Đó là một tàu sân bay, dù sao thì nó cũng phải tạo ra một lượng điện khổng lồ. Và nếu không có phụ tùng để sửa vòi hoa sen, thì con tàu không có phụ tùng để làm gì nữa".

Ryan Ramsey, cựu thuyền trưởng tàu ngầm hạt nhân HMS Turbulent, đồng tình với quan điểm trên: "Về mặt chức năng, đúng là tắm nước lạnh là tốt, và không ai có được sự thoải mái trong thời chiến, nhưng những thủy thủ trên HMS Queen Elizabeth không phải đang chiến đấu ngoài chiến trường, họ đang ở trong bến tàu để được bảo dưỡng. Như thường lệ, Hải quân Anh nói rằng họ đặt thủy thủ lên hàng đầu – nhưng rồi họ lại không làm vậy. Họ không nên để tình trạng này kéo dài quá lâu".

Các nhà lãnh đạo quốc phòng Anh thường viện dẫn sự phức tạp kỹ thuật của các cỗ máy chiến đấu khổng lồ như tàu hải quân để giải thích cho những sự cố không đáng có. Tuy nhiên, với chi phí 7 tỷ bảng Anh và mới đi vào hoạt động từ năm 2020, những vấn đề liên tục của Queen Elizabeth đang làm dấy lên những lo ngại sâu sắc về chất lượng và độ tin cậy của biểu tượng "Nước Anh toàn cầu" này.

Sự cố "vòi hoa sen" không phải là vấn đề duy nhất của Hải quân Hoàng gia Anh trong tuần này. Vụ việc người đứng đầu lực lượng, Đô đốc Sir Ben Key, bị cách chức vì cáo buộc ngoại tình và chỉ huy tàu HMS Tyne có nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Anh trước các tàu ngầm Nga bị điều tra vì "hành vi quan hệ không thể chấp nhận được" đang tạo ra một bầu không khí bất ổn và làm tổn hại thêm đến uy tín của lực lượng hải quân Anh.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/tau-san-bay-hms-queen-elizabeth-bieu-tuong-nuoc-anh-toan-cau-dang-reu-ra-tu-ben-trong-20250517165311238.htm