Tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc có chuyến ra khơi đầu tiên
Sáng nay (1/5), tàu sân bay thứ ba mang tên Phúc Kiến của Trung Quốc đã rời bến của nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải để tiến hành thử nghiệm chuyến ra khơi đầu tiên đến vùng biển liên quan.
Theo Tân Hoa xã, căn cứ vào công trình chế tạo tàu sân bay, cuộc thử nghiệm trên biển lần này chủ yếu kiểm tra, xác minh độ tin cậy, ổn định của các hệ thống như nguồn điện và động lực của tàu Phúc Kiến.
Tàu sân bay này được hạ thủy vào tháng 6/2022, việc đóng tàu được tiến hành theo kế hoạch, đã hoàn thành cuộc thử nghiệm neo đậu và điều chỉnh thiết bị, đồng thời được đánh giá có đủ điều kiện kỹ thuật để ra khơi thử nghiệm.
Theo các chuyên gia quân sự, việc chế tạo và sử dụng tàu sân bay gồm nhiều giai đoạn, sau khi chế tạo hoàn thành, tàu sân bay bước vào giai đoạn trang bị, thử nghiệm neo đậu tại cảng, kiểm tra việc vận hành của các hệ thống như hệ thống động lực, hệ thống trang thiết bị, vũ khí của tàu trong điều kiện tĩnh và không có sự xung đột giữa các hệ thống, việc thử nghiệm neo đậu chủ yếu do nhà máy thực hiện.
Sau khi thử nghiệm neo đậu, tàu sân bay bước vào giai đoạn thử nghiệm trên biển, chủ yếu được thực hiện bởi các sỹ quan hải quân và kỹ sư của nhà máy. Nó được tiến hành trong điều kiện biển thực tế và thậm chí phải trải qua các điều kiện cơ động và tốc độ cao như gió mạnh, mưa lớn. Sau khi các vấn đề được phát hiện trong quá trình thử nghiệm trên biển được giải quyết, bước tiếp theo là bàn giao cho hải quân sử dụng.
Được biết, tàu Phúc Kiến là tàu sân bay được chế tạo và phát triển hoàn toàn trong nước đầu tiên của Trung Quốc, có boong phẳng, thẳng, được trang bị hệ thống phóng và hãm máy bay điện từ, có lượng choán nước lên đến 80.000 tấn.
Hiện tại, Trung Quốc còn có 2 tàu sân bay khác, đó là tàu Liêu Ninh được đưa vào hoạt động năm 2012 và tàu Sơn Đông đưa vào hoạt động năm 2019.