Urangan - số hiệu 567 là chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu hộ vệ tên lửa tàng hình cỡ nhỏ Karakurt - Dự án 22800 của Hải quân Nga, lớp chiến hạm này dự kiến sẽ sớm thay thế cả Molniya và Nanuchka trong tương lai.
Mặc dù lượng giãn nước chỉ 800 tấn nhưng chiếc Karakurt lại có dàn vũ khí cực mạnh, trong đó đáng chú ý nhất là cụm 8 ống phóng thẳng đứng đa năng UKSK của tên lửa hành trình Kalibr-NK bố trí sau tháp chỉ huy.
Bên cạnh đó tàu còn được trang bị pháo hạm AK-176MA cỡ 76,2 mm với tháp pháo tàng hình hóa tương tự Oto Melara Super Rapid của Italia, phía sau tàu là 2 pháo bắn nhanh AK-630M cỡ 30 mm.
Tuy nhiên chiếc Urangan có một điểm thiệt thòi so với các con tàu cùng lớp ra đời sau này đó là nó chưa được tích hợp module tên lửa - pháo phòng không Pantsir-M.
Ngoài ra tàu cũng chưa được lắp đặt 4 tấm radar mảng pha quét chủ động AFAR, khả năng trinh sát để dẫn bắn tên lửa chống hạm ngoài đường chân trời vô tuyến điện từ cũng hạn chế.
Để khắc phục nhược điểm trên, chiếc Uragan cũng như các tàu lớp Karakurt tiếp theo phải được bổ sung khí tài mới, giúp nó xác định chính xác mục tiêu sau đường chân trời vô tuyến điện từ mà không phải phụ thuộc phương tiện khác.
Khí tài mới trang bị cho tàu tên lửa tàng hình cỡ nhỏ lớp Karakurt chính là máy bay trinh sát không người lái Orlan-10, những bức ảnh của nó trên tàu Uragan vừa được Hải quân Nga công bố.
Orlan-10 là loại UAV cỡ nhỏ triển khai từ ray phóng rất đơn giản và được thu hồi bằng lưới, nó có khối lượng cất cánh chỉ 15 kg với tải trọng hữu ích 6 kg, tốc độ bay 90 - 150 km/h.
Chiếc UAV cỡ nhỏ này có bán kính điều khiển hoạt động nằm trong khoảng 180 - 200 km, trần bay 5.000 m, hoạt động liên tục được trong vòng 16 - 18 tiếng.
Orlan-10 là một thành phần của hệ thống giám sát và trinh sát trên không của Quân đội Nga với khả năng lập bản đồ 3D và xử lý các hoạt động tác chiến.
Chiếc máy bay trinh sát không người lái này sẽ lựa chọn mang theo camera ảnh nhiệt, máy ảnh, máy thu phát vô tuyến... khi thực hiện nhiệm vụ nhờ kết cấu module linh hoạt.
Chỉ cần nhập tọa độ và độ cao, Orlan-10 sẽ tự động bay đến vị trí thông qua hệ thống định vị toàn cầu GLONASS hay GPS, thu thập thông tin sau đó truyền về trạm chỉ huy.
Nhờ chiếc Orlan-10, tàu chiến Karakurt sẽ nhận thức được tình huống cũng như mục tiêu ở sau đường chân trời vô tuyến điện từ với độ chính xác cao mà đài radar dẫn bắn không làm nổi.
Nhờ tọa độ mục tiêu cũng như hình ảnh do chiếc Orlan-10 truyền trực tiếp về trạm điều khiển, tên lửa chống hạm Kalibr-NK sẽ lấy được phần tử bắn ngoài đường chân trời vô tuyến điện từ một cách chính xác nhất, điều mà trước kia phải có máy bay khác chỉ điểm.
Mặc dù vậy, UAV Orlan-10 cũng có nhược điểm là khá thô sơ và chưa thực sự tin cậy, trong quá trình hoạt động tại Syria và miền Đông Ukraine, một số chiếc đã bị bắn hạ hoặc bắt sống.
Việt Dũng