Tàu thăm dò NASA lại phát hiện vật thể hình thù kỳ lạ trên sao Hỏa, chuyên gia: 2 giả thuyết về nguồn gốc của nó
Tàu thăm dò Perseverance của NASA trong lúc khám phá miệng núi lửa Jezero của sao Hỏa đã phát hiện ra một tảng đá có hình thù vô cùng độc đáo.
Vào ngày 23/6/2023, tàu thăm dò Perseverance của NASA đã chụp được bức ảnh về một tảng đá có hình dáng kỳ lạ trên sao Hỏa. Theo hình ảnh của Perseverance cung cấp tảng đá này có màu sẫm, kích thước khá lớn và ở chính giữa có một lỗ tròn lớn. Thoạt nhìn, tảng đá dễ khiến người ta liên tưởng tới một cái bánh donut khổng lồ. Xung quanh nó còn có thêm một vài tảng đá nhỏ.
"Chiếc bánh donut" này được chụp từ cách đó 100 mét trong vùng đồng bằng của miệng núi lửa Jezero bởi máy chụp ảnh hiển vi từ xa của thiết bị SuperCam. Đây là một trong những máy ảnh của xe tự hành, nó có nhiệm vụ ghi lại những gì xuất hiện trên bề mặt hành tinh Đỏ và chuyển về cho các nhà khoa học.
Jim Rice, trợ lý nghiên cứu của Trường Thám hiểm Trái đất và Không gian tại Arizona cho biết nhóm của họ đã không điều khiển xe tự hành đến gần tảng đá hình bánh vòng để kiểm tra hoặc lấy mẫu. Do đó, thành phần và nguồn gốc chính xác của nó vẫn chưa được xác định.
Các nhà khoa học của NASA đã đặt ra một vài giả thuyết về nguồn gốc của tảng đá hình bánh donut.
Giả thuyết thứ nhất, theo đại diện của Viện Tìm kiếm sự sống thông minh ngoài Trái đất (SETI) thì nhiều khả năng tảng đá này không có nguồn gốc từ sao Hỏa. Người này còn cho biết: "Nó dường như là một thiên thạch lớn, sau khi đáp xuống sao Hỏa nó đã vỡ thành nhiều mảnh".
Trên thực tế, điều này không phải là không có cơ sở, bởi sao Hỏa là hành tinh gần nhất trong hệ Mặt trời có vành đai tiểu hành tinh. Nó thường xuyên bị va đập bởi những tảng đá ngoài không gian. Ngoài ra, bầu khí quyển của sao Hỏa chỉ dày bằng 1% so với Trái đất. Vì thế, các tảng đá có thể dễ dàng đi qua nó mà không bị đốt cháy. Trước đây, NASA từng ghi được âm thanh của một thiên thạch lao xuống hành tinh này.
Giả thuyết thứ 2, những tảng đá có hình thù kỳ lạ là đặc điểm phổ biến của sao Hỏa. Chúng là kết quả của thời kỳ xói mòn kéo dài tương tự như trên Trái đất. Thế nhưng, điều kiện trên sao Hỏa không có sự xói mòn do nước mà quá trình phong hóa ở đây chỉ có cát và gió.
Một năm ở sao Hỏa có kéo dài gần gấp đôi một năm trên Trái đất, trong suốt thời gian này hành tinh Đỏ sẽ trải qua những cơn bão cục bộ. Tuy nhiên, sau một vài năm, thường trùng với mùa hè ở Nam bán cầu, sao Hỏa sẽ trải qua một cơn bão cát bao trùm toàn bộ hành tinh và nó thường kéo dài trong nhiều tháng. Và tảng đá hình bánh donut có thể được hình thành từ quá trình phong hóa như vậy.
Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA đã chia sẻ bức ảnh về tảng đá hình bánh donut trên trang Photojournal, và nó đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội.
Tàu Perseverance đã hoạt động trên sao Hỏa kể từ ngày 18/2/2021. Nhiệm vụ chính của tàu Perseverance là thám hiểm Jezero Crater - một miệng núi lửa từng là hồ nước trên Sao Hỏa cách đây 3,7 tỷ năm. Không chỉ vậy, tàu cũng thu thập các mẫu đất đá vỡ (được gọi là regolith) tại khu vực này, và đưa chúng trở lại Trái Đất dự kiến vào năm 2030. Các mẫu này sẽ được thu thập bởi sứ mệnh Trả lại Mẫu trên Sao Hỏa (Mars Sample Return), một nỗ lực chung giữa NASA và ESA bao gồm một tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ, tên lửa nhỏ gọn (ascent vehicle) và hai máy bay trực thăng.
Việc phân tích các mẫu vật này sẽ giúp các nhà khoa học và nhân loại làm sáng tỏ quá trình tiến hóa địa chất và môi trường của sao Hỏa cũng như khả năng sự sống từng tồn tại ở hành tinh này.
Đây không phải là lần đầu tiên tàu thám hiểm của NASA phát hiện vật thể hình thù lạ trên sao Hỏa.
Vào ngày 15/4/2023, sol 765, thiết bị Mastcam-Z trên tàu thám hiểm cũng chụp lại hình một một tảng đá có hình dáng ở khoảng cách 400 mét.
Trong nhiều năm qua, các tàu thám hiểm khác như Curiosity, Spirit và Opportunity cũng tìm thấy nhiều tảng đá nghi là mảnh vỡ của các thiên thạch trên bề mặt sao Hỏa.