Tàu thép về làng chài

Trong lần gặp gỡ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 4-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chia sẻ nỗi khát khao của ngư dân: 'Hậu cần nghề cá là một trong những vấn đề quan trọng của chiến lược biển Việt Nam. Chúng ta phải khảo sát để thực hiện thí điểm'. Chiếc tàu vỏ thép đầu tiên ở Quảng Ngãi đã hiện thực hóa điều đó.

Thuyền trưởng số 1

Ngôi vị số 1 của Thuyền trưởng Mai Thành Văn được ngư dân làng chài xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đặt cho. Bởi anh là người đầu tiên mạnh dạn bỏ tiền cùng Nhà nước đóng mới tàu vỏ thép, bỏ qua những lời dị nghị và hoài nghi của nhiều người. Liệu bài toán tàu vỏ thép đánh bắt có thành công, do giá thành quá cao, mỗi lần làm nước, sơn sửa thì tốn kém(?).

Tại bến đậu, con tàu vỏ thép sơn màu xanh bóng, có đủ trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hoạt động đánh bắt dài ngày trên biển. So với tàu gỗ thì con tàu thép này bắt đầu hiện thực ý tưởng "tàu là nhà".

Chiếc tàu cá vỏ thép đầu tiên mang tên Hoàng Anh 01 ra đời, được đóng tại nhà máy đóng tàu của Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Nha Trang. Tàu có chiều dài 25,21m, rộng 7,8m, chiều cao mạn 3,6m, chiều cao mớn nước 2,7m, trọng tải 120 tấn. Tàu được lắp máy Komatsu, công suất 892 mã lực.

Lễ bàn giao tàu vỏ thép.

Lễ bàn giao tàu vỏ thép.

Thế là, tâm tư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đối với ngư dân giờ đây đã thành hiện thực. Quá trình hoạt động trên biển, chiếc tàu này sẽ đảm bảo 2 công năng: Đánh bắt, hậu cần. Tàu có 6 khoang chính chứa thủy sản 185m3, có 2 khoang chứa thiết bị và ngư lưới cụ, bên cạnh đó là khoang chứa lương thực, thực phẩm. Bồn dầu có dung tích 16,8m3, 2 bồn chứa nước ngọt 24,8m3, đảm bảo cho tàu đủ nhiên liệu để thực hiện hải trình 2.000 hải lý. Lương thực, thực phẩm, nước ngọt dự trữ trên tàu có thể bảo đảm cho 18 ngư dân sử dụng trong 30 ngày đêm.

Tàu vỏ thép được Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam đầu tư. Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Nha Trang thực hiện. Sẽ có 6 tàu vỏ thép được hạ thủy cho ngư dân.

Trước đó, một số ngư dân tỉnh Quảng Ngãi được nhận dự án đóng mới tàu vỏ thép, nhưng họ xin tạm hoãn vì lý do riêng, chủ yếu chưa thật sự yên tâm đối với loại tàu mới mẻ này.

Ông Dũng, một ngư dân ở làng chài ngắm nhìn con tàu cho biết: "Ông Văn là thuyền trưởng số 1. Nay mai bà con trong làng sẽ theo gương mạnh dạn đầu tư sắm tàu vỏ thép để đánh bắt hiệu quả. Còn trước đó thì nhiều người cứ lo tàu to trả nợ không nổi, chi phí quá lớn".

Chạy nhanh nhất đoàn

Con tàu vỏ thép về làng và biểu diễn vài đường lượn khiến đội tàu vỏ gỗ phải chịu lép vế. Tốc độ trung bình của tàu đạt 11 hải lý/giờ. Khi kéo hết ga thì tàu lao đi với tốc độ 15 hải lý/giờ. Trong khi đội tàu ở quê, nếu chạy nhanh nhất cũng chỉ đạt tốc độ 8 hải lý/giờ. Một ngư dân xã Bình Chánh nhìn chiếc tàu vỏ thép với vẻ thèm thuồng: "Chạy cỡ này thì cả đội tàu ở quê chỉ ngửi khói. Nếu đi biển gặp dông lốc thì tàu vỏ thép có thể nhanh chóng chuyển vùng tới nơi an toàn, còn tàu gỗ thì chạy chậm quá".

Sự tiện dụng của tàu vỏ thép là quá rõ, tàu được trang bị hệ thống thông tin khép kín, máy dò ngang có tầm quét 3.000m, góc quét 45 độ. Tàu chỉ cần hành trình và liên hệ với các tàu khác để liên kết đánh bắt. Chi phí chạy tìm luồng cá giảm đi khá nhiều.

Ý tưởng "tàu là nhà" cũng được lắp đặt trên con tàu. Đó là buồng ngủ nghỉ khá sạch sẽ, buồng thuyền trưởng sang trọng. Hệ thống cảnh báo an toàn như ra-đa phát hiện vật cản phía trước, định vị vệ tinh GPS, máy thu phát VHF, la bàn từ, phao định vị, phao cứu sinh.

Hiện nay, nếu đóng một chiếc tàu vỏ gỗ có công suất gần 1.000 mã lực, chiều dài gần 25m, chi phí khoảng 3,5 tỷ đồng. Còn chiếc tàu vỏ sắt tương đương có giá 6,5 tỷ đồng (cả lưới cụ). Tàu xịn, nhưng các ngư dân cũng phải cố gắng lao động để trả nợ.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 5.800 tàu thuyền, trong đó, hơn 1.800 tàu đánh bắt xa bờ. Đội ngũ ngư dân có nhiều kinh nghiệm đánh bắt đã vươn ra vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, tàu vỏ thép giúp ngư dân vững tin hơn khi đi biển dài ngày. Đồng thời, con tàu này cũng trở thành tàu hậu cần, giúp các ngư dân bảo quản tốt hải sản đánh bắt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ đã phát biểu: "Tàu vỏ thép đầu tiên của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi sử dụng đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa, đồng thời giúp ngư dân đánh bắt đạt sản lượng cao hơn ở những vùng biển xa".

Văn Chương - Công Yến

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tau-thep-ve-lang-chai/