Tàu thuyền lũ lượt chuyển hướng tránh bị tấn công ở Biển Đỏ khiến cảng ở châu Phi vỡ trận
Trước tình hình căng thẳng leo thang trên Biển Đỏ, các hãng vận tải hàng hải đang chuyển hướng đi qua mũi Hải Vọng (Nam Phi). Điều này khiến các cảng ở châu Phi, vốn tắc nghẽn và thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, rơi vào thế vỡ trận.
Hạ tầng cảng yếu kém ở châu Phi vỡ trận
Theo Reuters, hàng trăm con tàu biển lớn đang di chuyển theo hướng đi qua mũi Hảo Vọng ở phía nam châu Phi. Tuyến đường này dài hơn 10-14 ngày di chuyển so với đi qua kênh đào Suez (Ai Cập).
Việc đi qua mũi Hảo Vọng là nhằm tránh khỏi tâm điểm xung đột nóng trên Biển Đỏ, khi lực lượng Houthi ở Yemen đang tăng cường tổ chức tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa.
Các cuộc tấn công của nhóm này đã làm gián đoạn thương mại quốc tế thông qua Kênh đào Suez, tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á, chiếm khoảng 1/6 lưu lượng giao thông toàn cầu, dẫn tới giá dầu và cước vận tải bắt đầu leo cao.
Trong khi đó, các chuyến tàu đi qua mũi Hảo Vọng cũng phải đối mặt với khó khăn về nơi tiếp nhiên liệu và bổ sung hàng hóa vì các cảng ở châu Phi còn nhiều yếu kém, vật lộn với tệ nạn quan liêu, tắc nghẽn và cơ sở hạ tầng thiếu đảm bảo.
Theo chỉ số Ngân hàng Thế giới 2022 công bố vào tháng 5 vừa qua, các cảng lớn của Nam Phi bao gồm Durban, Cape Town và Ngqura đều bị liệt vào nhóm hoạt động kém nhất thế giới, dù đây là những cảng lớn nhất châu Phi.
“Do đó các tàu chuyển hướng qua mũi Hảo Vọng có rất ít lựa chọn về nơi neo đậu bổ sung hàng hóa”, ông Alessio Lencioni, chuyên gia logistics toàn cầu cho biết.
Theo chuyên gia, các cảng nước sâu lớn khác của châu Phi dọc theo tuyến mũi Hảo Vọng như Mombasa ở Kenya hay Dar es Salaam ở Tanzania cũng không được trang bị đầy đủ để đáp ứng lưu lượng giao thông dự kiến tăng vọt trong vài tuần tới.
Nỗi lo hết nhiên liệu giữa đường
Hãng hàng hải Maersk cho biết, các tàu đi vòng sẽ cố gắng nạp nhiên liệu tại điểm xuất phát hoặc điểm đến ở mức cao nhất có thể.
Trong khi đó, một nguồn tin cho hay, trong trường hợp phải tiếp nhiên liệu trên đường đi, vịnh Walvis (Namibia) hoặc Port Louis (Mauritius) là những lựa chọn hàng đầu.
Các chủ hàng cho biết, thời tiết khắc nghiệt, bão lốc và biển động dữ dội thường xảy ra ở “mũi bão” Hảo Vọng và eo biển Mozambique. Những vấn đề này khiến tàu đốt hết nhiên liệu nhanh hơn và nhu cầu tiếp nhiên liệu càng trở nên bức thiết.
Các công ty năng lượng cũng đã nắm bắt tình hình, trong đó có TFG Marine, thuộc Tập đoàn Trafigure cho biết họ đã triển khai các gói cung cấp khối lượng nhiên liệu lớn hơn cho các tàu có hành trình dài hơn tại siêu cảng Singapore.
Theo các nhà phân tích, nhu cầu năng lượng cho hoạt động hàng hải tại Nam Phi buộc nước này phải nhập khẩu tới khoảng 230.000 tấn nhiên liệu cho tàu biển.
“Nam Phi sẽ phải nhập khẩu lượng dầu cao kỷ lục trong tháng 12 trước cuộc khủng hoảng trên Biển Đỏ” - ông Younes Azzouzi, chuyên gia phân tích Tập đoàn Kpler cảnh báo.