Tàu Titanic chìm không chỉ vì một tảng băng trôi
Theo chuyên gia, tảng băng trôi Titanic đâm phải khi trên đường từ Southampton (Anh) đến New York (Mỹ) chỉ là một trong những tác động dẫn đến thảm kịch.
Titanic, siêu du thuyền được ngợi ca là "không thể chìm", đã gặp nạn khi đâm phải một tảng băng trôi, khiến 1.514 người chết vào ngày 14 và 15/4/1912. Một thế kỷ sau, thảm kịch này vẫn là ví dụ điển hình về thất bại công nghệ do con người thiếu sót và chủ quan trong tính toán.
Thời tiết
Richard Norris, chuyên gia của Viện Hải dương học Scripps (California, Mỹ), cho rằng vùng biển bắc Đại Tây Dương có thời tiết phù hợp để những tảng băng trôi xuất hiện tại nơi dòng hải lưu lạnh Labrador tiếp giáp với dòng hải lưu ấm Gulf Stream. Những tảng băng trôi tập trung dày đặc tại nơi vụ va chạm xảy ra.
Sóng biển
Hồi tháng 3, các nhà thiên văn học tại Đại học Bang Texas công bố vị trí mặt trời, mặt trăng và trái đất vào tháng 1/1912 khiến những đợt sóng cao bất thường xuất hiện.
Sóng lớn đã đẩy những tảng băng về phía biển Labrador, một nhánh của bắc Đại Tây Dương nằm giữa bán đảo Labrador (Canada) và Greenland. Băng trôi về phía vùng biển Titanic đi qua vài tháng sau.
Tốc độ
Nhiều nhà nghiên cứu Titanic khẳng định rằng thuyền trưởng Edward J. Smith luôn muốn Titanic có thời gian vượt biển ngắn hơn tàu Olympic trước đó của White Star. Với một số người, lệnh cho Titanic chạy hết tốc lực dù đang ở vùng biển có nhiều băng trôi là một sai lầm của thuyền trưởng Smith.
Cảnh báo băng trôi
Phòng điều khiển Titanic đã nhận hàng loạt cảnh báo về vùng băng trên biển bắc Đại Tây Dương thông qua hệ thống liên lạc không dây. Nhưng Richard Corfield chỉ ra rằng những cảnh báo chi tiết cuối cùng lại không được truyền tải đến thuyền trưởng Smith một cách đầy đủ và chính xác nhất.
Jack Phillips, điều phối viên phòng radio, báo với thuyền trưởng rằng tình hình không có gì khẩn cấp, sau đó trở lại với bản tin cập nhật cho hành khách rằng tàu sắp tới Newfoundland (Canada).
Ống nhòm
Những cặp ống nhòm để quan sát trên tàu đã bị khóa trong đêm tai nạn xảy ra. Chìa khóa do David Blair giữ, một nhân viên bị đuổi khỏi thủy thủ đoàn trước khi tàu khởi hành từ Southampton. Một số nhà sử học cho rằng tảng băng chết người có thể được phát hiện sớm hơn nếu đội hoa tiêu có ống nhòm.
Sai lầm của người bẻ lái
Louise Patten, một người cho biết câu chuyện về Titanic được truyền lại từ người ông quá cố, sĩ quan tàu cao cấp nhất sống sót sau thảm họa. Sau khi phát hiện tảng băng trôi, thuyền trưởng ra lệnh xoay bánh lái sang mạn phải, để thuyền hướng mũi sang trái. Tuy nhiên, người cầm bánh lái đã điều hướng tàu về bên phải do nhận truyền tin sai lệch.
Lỗi này nhanh chóng được phát hiện, nhưng quá trễ để sửa sai vì con tàu đã đâm sầm vào tảng băng. Patten cho rằng nếu Titanic đứng yên tại nơi va chạm, nước biển đã không tràn vào các khoang khiến con tàu chìm nhanh đến như vậy.
Thiết kế không tối ưu
Thuyền phó William McMaster Murdoch từng gửi điện báo cho phòng kỹ thuật yêu cầu thiết kế động cơ tàu Titanic theo hướng đảo ngược. Theo đó, chân vịt trái và phải sẽ quay ngược lại, khiến chân vịt trung tâm chỉ có thể được điều khiển để dừng lại và không có cơ chế quay ngược.
Chuyên gia Richard Corfield cho rằng chân vịt không thể xoay dễ dàng khiến khả năng quay đầu của con tàu không còn linh hoạt. "Đó là một trong nhiều điều trớ trêu của thảm kịch Titanic, khi nó có thể đã tránh được tảng băng trôi nếu Murdoch không nói với phòng máy giảm và sau đó đảo ngược lực đẩy của con tàu", Corfield nói.
Đinh tán lỏng lẻo
Nhà luyện kim Tim Foecke và Jennifer Hooper McCarty đã xem xét các vật liệu dùng để đóng tàu Titanic tại xưởng ở Belfast (Bắc Ireland). Họ nhận thấy các tấm thép hướng về mũi tàu và đuôi tàu được gắn bằng đinh tán sắt chất lượng thấp. Nguyên nhân có thể do vào thời gian đóng tàu, nguồn đinh tán cao cấp thiếu hụt hoặc đinh tán chất lượng cao hơn không phù hợp với máy móc lắp ráp.
Hai chuyên gia cho rằng đinh tán chất lượng thấp có thể dễ dàng bị phá hỏng khi vụ va chạm xảy ra, khiến tàu chìm nhanh hơn. Hiện những nhà nghiên cứu khác chưa chấp nhận quan điểm này và còn nhiều tranh cãi.