Tàu tự hành đầu tiên cập bến Việt Nam trong hành trình vòng quanh thế giới
Tàu quan sát Năng lượng (Energy Observer) sử dụng hệ thống pin nhiên liệu do Toyota phát triển vừa cập bến tại TP. Hồ Chí Minh.
Tàu quan sát năng lượng (Energy Observer) vừa dừng chân tại TP. Hồ Chí Minh trong chuyến du hành vòng quanh thế giới.
Tàu Energy Observer trên hành trình vòng quanh thế giới
Energy Observer vốn là tên của con tàu hydrogen đầu tiên tự hành và không phát thải. Được nâng cấp từ một con tàu hai thân huyền thoại, từng là chiếc thuyền buồm chiến thắng cuộc đua vòng quanh thế giới cùng với Sir Peter Blake, Energy Observer là một phòng thí nghiệm chuyển đổi sinh thái được thiết kế để thúc đẩy các giới hạn của công nghệ không phát thải. Năng lượng hydro, mặt trời, gió, thủy triều, mọi giải pháp đều được trải nghiệm, thử nghiệm và tối ưu hóa ở đó để biến năng lượng sạch trở thành giải pháp cụ thể và dành cho mọi người.
Khởi hành vào năm 2017 từ Saint-Malo, cảng quê hương của con tàu, Energy Observer đã đi hơn 50.000 hải lý, thực hiện 72 lần dừng chân. Trong đó có 16 lần tổ chức làng giáo dục lưu động và đến thăm hơn 40 quốc gia.
“Kể từ khi bắt đầu hành trình vòng quanh thế giới năm 2017, chúng tôi đã có cơ hội đào sâu nghiên cứu mọi thách thức về năng lượng và chuyển đổi năng lượng mà các chủ thể khác nhau trong lĩnh vực này phải đối mặt.
Ngoài TP. Hồ Chí Minh, tàu Energy Observer cũng đã ghé qua Phú Quốc
Dù có khó khăn trong việc thay đổi mô hình năng lượng, tôi nhận thấy rằng từ phía người dân, chính quyền hay doanh nghiệp đều thật sự mong muốn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này. Các chiến lược và công nghệ trung hòa khí thải gây hiệu ứng nhà kính của chúng ta đã chín muồi để có thể huy động hàng loạt nguồn vốn đầu tư vào các công nghệ cacbon thấp và qua đó giúp cho mọi người đều có thể tiếp cận được”, Victorien Erussard, Thuyền trưởng và nhà sáng lập của Energy Observer chia sẻ.
Toyota, một công ty hướng tới phát triển một xã hội hydro dựa trên thách thức "Thiết lập một xã hội tương lai hài hòa với thiên nhiên" như đã nêu trong Thách thức Môi trường 2050, phù hợp với sứ mệnh và các hoạt động của Energy Observer.
Từ điểm chung đó, hai bên đã làm việc chặt chẽ với nhau về cách một hệ thống pin nhiên liệu hydro có thể thích ứng với các ứng dụng hàng hải. Điều này đã dẫn đến sự ra đời của hệ thống và công nghệ pin nhiên liệu hàng hải của Toyota.
Hệ thống pin nhiên liệu dành riêng cho hàng hải được Trung tâm Kỹ thuật Toyota châu Âu phát triển chỉ trong vòng bảy tháng. Để đảm bảo tính tương thích, mô-đun pin nhiên liệu Toyota đã được thử nghiệm với Energy Observer.
Hệ thống pin nhiên liệu Toyota
Energy Observer được thiết lập để hưởng lợi từ hệ thống pin nhiên liệu hàng hải Toyota, có khả năng cung cấp nhiều năng lượng, hiệu quả và độ tin cậy hơn khi lộ trình tham quan bao gồm băng qua Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Toyota đang nỗ lực để đạt được trung hòa carbon. Tại Việt Nam, hãng cũng nỗ lực trở thành một “doanh nghiệp xanh” khi tiên phong giới thiệu các mẫu xe hybrid, nghiêm túc thực hiện chu trình xanh khép kín trên toàn hệ thống từ nhà máy, nhà cung cấp và đại lý nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường đất, nước, không khí; giảm phát thải khí CO2…