Tàu vũ trụ của NASA cố gắng tiếp cận gần Mặt trời nhất có thể
Tàu vũ trụ Parker của NASA đang trên đường bay cách bề mặt Mặt trời 6,1 triệu km.
Ngày 24/12 (theo giờ Đông Mỹ), tàu thăm dò Mặt trời Parker của NASA dự kiến sẽ tạo nên lịch sử bằng cách bay vào bầu khí quyển bên ngoài của Mặt trời được gọi là corona trong một nhiệm vụ giúp các nhà khoa học tìm hiểu thêm về ngôi sao gần nhất của Trái đất.
"Chưa có vật thể nào do con người tạo ra từng bay gần một ngôi sao như vậy, vì vậy Parker thực sự sẽ gửi dữ liệu từ vùng đất chưa được khám phá", ông Nick Pinkine, Giám đốc điều hành tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Johns Hopkins, cho biết trong một blog của NASA.
Tàu vũ trụ Parker của NASA đang trên đường bay cách bề mặt Mặt trời 6,1 triệu km vào lúc 6h53 ngày 24/12 theo giờ Đông Mỹ (18h53 cùng ngày giờ Việt Nam). Do tàu vũ trụ mất liên lạc, phải đến ngày 27/12 (theo giờ Việt Nam), các nhà điều hành nhiệm vụ mới xác nhận được tình trạng của tàu.
NASA cho biết trên trang web của mình, tàu vũ trụ Parker di chuyển với tốc độ lên tới 692.000 km/giờ và sẽ chịu được nhiệt độ lên tới 982 độ C.
Khi tàu thăm dò lần đầu tiên đi vào bầu khí quyển Mặt trời vào năm 2021, nó đã tìm thấy những chi tiết mới về ranh giới của bầu khí quyển Mặt trời và thu thập hình ảnh cận cảnh của các luồng nhật hoa, các cấu trúc giống như chóp nhọn được nhìn thấy trong nhật thực.
Kể từ khi tàu vũ trụ được phóng vào năm 2018, tàu thăm dò đã dần dần bay vòng tròn gần hơn về phía Mặt trời, sử dụng các lần bay ngang qua Sao Kim để kéo nó vào quỹ đạo chặt hơn với Mặt trời.
Một thiết bị trên tàu vũ trụ đã thu được ánh sáng khả kiến (một phần của quang phổ điện từ có thể nhìn thấy bằng mắt thường) từ Sao Kim, mang đến cho các nhà khoa học một cách mới để nhìn xuyên qua các đám mây dày của hành tinh này đến bề mặt bên dưới, NASA cho biết.