Tàu vũ trụ của Nhật Bản đến quỹ đạo Mặt trăng

Tàu đổ bộ 'Moon Sniper' do cơ quan vũ trụ Nhật Bản phát triển đã đi vào quỹ đạo Mặt trăng thành công vào ngày Giáng sinh. Cột mốc quan trọng này đưa Nhật Bản tiến một bước gần hơn đến việc đạt được mục tiêu lần đầu tiên hạ cánh một nhà thám hiểm robot lên Mặt trăng.

Tàu Moon Sniper, tên gọi chính thức là Tàu đổ bộ thông minh để nghiên cứu Mặt trăng (SLIM) của Nhật Bản đã tới quỹ đạo Mặt trăng vào ngày 25/12 như dự kiến.

Hiện tại, còn tàu đổ bộ đang hoàn thành một vòng quanh Mặt trăng khoảng 6,4 giờ một lần. Trong vài tuần tới, phương tiện này sẽ từ từ siết chặt quỹ đạo, tiến gần hơn tới bề mặt Mặt trăng để chuẩn bị hạ cánh trên bề mặt Mặt trăng trong tháng 1/2024.

 Mô hình Tàu đổ bộ thông minh để nghiên cứu Mặt trăng (SLIM) tại Kamakura Works của Tập đoàn Mitsubishi Electric ở Nhật Bản. Ảnh: JAXA

Mô hình Tàu đổ bộ thông minh để nghiên cứu Mặt trăng (SLIM) tại Kamakura Works của Tập đoàn Mitsubishi Electric ở Nhật Bản. Ảnh: JAXA

Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết tàu đổ bộ này được đặt vào một quỹ đạo hình elip qua các cực bắc và nam của Mặt trăng ở độ cao từ khoảng 600 - 4.000 km. Trong hơn 3 tuần tới, tàu sẽ đi vào quỹ đạo cách Mặt trăng gần 15 km khi bắt đầu hạ độ cao lần cuối.

Tàu đổ bộ Moon Sniper sẽ cố gắng hạ cánh vào lúc 12h20 sáng ngày 20/1/2024 theo giờ Nhật Bản (10h20 sáng 20/1/2024 giờ Hà Nội), sau đó sẽ thu thập dữ liệu về đá Mặt trăng, thứ có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự hình thành của hành tinh này.

Nếu hạ cánh thành công, Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia thứ 5 đạt được thành tích này sau Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, và là quốc gia thứ 3 làm được điều này trong thế kỷ 21. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước duy nhất hạ cánh an toàn phương tiện lên Mặt trăng trong thế kỷ này.

Moon Sniper - Xạ thủ Mặt trăng

Tàu đổ bộ hạng nhẹ SLIM được thiết kế để hạ cánh trong phạm vi 100 m tính từ một mục tiêu cụ thể trên Mặt trăng. Phạm vi này nhỏ hơn nhiều so với phạm vi thông thường là vài km. Độ chính xác này cũng là lý do con tàu được đặt tên là Moon Sniper (Xạ thủ Mặt trăng).

Nếu chạm tới bề mặt Mặt trăng, SLIM dự kiến sẽ khám phá một địa điểm gần một miệng hố va chạm nhỏ tên là Shioli – gần địa điểm hạ cánh Apollo 11 nơi các phi hành gia NASA chạm xuống lần đầu tiên vào năm 1969.

 Mô phỏng tàu SLIM trên bề mặt Mặt Trăng. Ảnh: JAXA

Mô phỏng tàu SLIM trên bề mặt Mặt Trăng. Ảnh: JAXA

Cuộc đua chinh phục Mặt trăng

Cho đến nay, Mỹ là quốc gia duy nhất đưa con người đặt chân lên Mặt trăng, nhưng NASA chưa đưa phi hành gia hay phương tiện robot nào lên Mặt trăng kể từ sứ mệnh Apollo 17 năm 1972.

Trong năm qua, cả tàu vũ trụ do tư nhân phát triển từ công ty Ispace có trụ sở tại Nhật Bản và tàu đổ bộ của cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos đều đã thực hiện nỗ lực hạ cánh lên Mặt trăng nhưng kết thúc thất bại do sự cố về điều hướng.

Vào tháng 8, tàu đổ bộ lên Mặt trăng do Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ phát triển đã hạ cánh thành công, giúp nước này trở thành quốc gia thứ tư làm được điều này sau Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô cũ.

Tàu vũ trụ của Ấn Độ đã hạ cánh gần cực nam Mặt trăng, nơi có các miệng núi lửa bị che khuất được cho là chứa nước đóng băng có thể hỗ trợ cho việc duy trì sự sống trên Mặt trăng trong tương lai, hoặc có thể hữu ích cho việc chế tạo nhiên liệu đẩy.

NASA dự định đưa phi hành gia lên quỹ đạo quanh Mặt trăng vào cuối năm 2024 (nhưng không đổ bộ) trong sứ mệnh Artemis II. Sau đó, sứ mệnh Artemis III vào cuối thập kỷ này có thể sẽ đánh dấu lần đầu tiên con người đáp xuống Mặt trăng kể từ những năm 1970.

Ngọc Ánh (theo CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tau-vu-tru-cua-nhat-ban-den-quy-dao-mat-trang-post278630.html