Tàu vũ trụ tiếp tế của Nga gặp sự cố mất áp suất
Theo AP, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) hôm 11.2 cho biết, một con tàu tiếp tế của nước này cập cảng Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã mất áp suất trong cabin.
“Nhiệt độ và áp suất trên trạm ISS nằm trong tiêu chuẩn và không có mối nguy hiểm nào đối với sức khỏe và sự an toàn của phi hành đoàn”, Roscosmos nói trong một tuyên bố nhưng không tiết lộ nguyên nhân con tàu chở hàng có số hiệu Progress MS-21 bị mất áp suất.
Roscosmos lưu ý rằng Progress MS-21 đã chất đầy chất thải trước khi xử lý theo lịch trình. Thông báo được đưa ra ngay sau khi tàu chở hàng mới Progress MS-22 của Nga cập bến ISS suôn sẻ hôm 11.2. Progress MS-22 đã vận chuyển gần 3 tấn lương thực, nước và nhiên liệu cùng với các thiết bị khoa học cho phi hành đoàn.
Roscosmos cho biết việc mất áp suất trong Progress MS-21 không ảnh hưởng đến việc cập cảng của con tàu chở hàng mới.
Trước đó, sau vụ va chạm với một thiên thạch nhỏ vào tháng 12.2022, tàu Soyuz MS-22 đã gặp sự cố rò rỉ lớn, làm phun chất làm mát bộ tản nhiệt vào không gian và khiến 2 phi hành gia phải hủy bỏ kế hoạch đi bộ ngoài không gian như đã dự kiến.
Các phi hành gia người Nga Sergey Prokopyev và Dmitri Petelin cùng phi hành gia Frank Rubio của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) được cho là sẽ sử dụng Soyuz MS-22 để quay trở lại Trái đất vào tháng 3.
Trong khi cơ quan vũ trụ của Nga cho biết vụ va chạm trên không gây ra mối đe dọa ngay lập tức cho phi hành đoàn của trạm vũ trụ, song nó làm dấy lên lo ngại về kế hoạch để đưa họ trở về Trái đất an toàn. Với việc rò rỉ làm nhiệt độ trong cabin tăng cao, các quan chức vũ trụ Nga đã quyết định Soyuz MS-22 không phù hợp để thực hiện nhiệm vụ đưa các phi hành gia quay về Trái đất.
Roscosmos cho biết họ đã quyết định triển khai hoạch phóng Soyuz MS-23 vào ngày 20.2 để có thể sớm đưa các nhà du hành vũ trụ người Nga và phi hành gia người Mỹ trở lại Trái đất. NASA đã tham gia vào tất cả các cuộc thảo luận và đồng ý với kế hoạch.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tau-vu-tru-tiep-te-cua-nga-gap-su-co-mat-ap-suat-193039.html