Tây Bắc tan hoang vì thủy điện, thanh niên kéo sang Trung Quốc làm thuê
Thủy điện mọc lên như nấm khắp Tây Bắc làm khắp nơi tan hoang, khiến hàng chục nghìn thanh niên lũ lượt kéo sang Trung Quốc làm thuê.
Trong phóng sự trước, chúng tôi đề cập đến thực trạng hàng chục nghìn thanh niên các xã vùng biên bỏ bản đi sang Trung Quốc làm thuê. Thực trạng đó sau khi tìm hiểu có nguồn cơn từ việc đất sản xuất bạc màu, thiếu nước canh tác, đời sống đồng bào ngày một khốn khó nên phải dứt áo tha hương. Và đây được xem là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Già làng Mùa A Súa thuộc bản Bẹ, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La vẫn không quên trận xả lũ kinh hoàng bất ngờ cuối năm 2017 của Thủy điện Xuân Thiện (Tập đoàn Xuân Thành - Ninh Bình) đóng trên địa bàn. 80% đất canh tác của bản bị đất đá vùi lấp. Toàn bộ con suối là nguồn cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cho dân bản bị vùi lấp hoàn toàn.
Con Suối Sập là phụ lưu cấp 1 của sông Đà có chiều dài gần 80km bao đời nay vẫn yên hòa, mát lành trong đời sống văn hóa, sinh hoạt của đồng bào người Thái. Nhưng vì lợi ích trước mắt, con người đang tâm bồi đắp, xây dựng gần chục tổ máy thủy điện nhỏ đã phá nát dòng chảy.
Bằng chứng là các thủy điện xây sau, tự ý đắp bồi cao hơn nên khi có lũ đã đồng loạt tháo thoát không theo quy trình. Chỉ trong một ngày, hơn 400 ngôi nhà trên địa bàn bị nhấn chìm, hàng nghìn diện tích gieo trồng bị hủy hoại; nhà máy thủy điện Suối Sập 1 ở cuối nguồn bị vùi lấp hoàn toàn.
Thủy điện về với Tà Xùa, lợi cho xã chưa thấy nhưng thiệt hại cho đồng bào lại vô cùng lớn. Toàn bộ 80% diện tích canh tác của bản Bẹ xóa sổ không thể khôi phục lại do đá vùi lấp; nước tưới tiêu không điều hòa, thất thường cho canh tác. Toàn xã chỉ có 522 hộ dân nhưng có trên 300 lao động bỏ bản đi làm thuê, hộ nghèo chiếm tới 30%.
Ông Ngô Văn Hoàng, Phó trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La) cho biết, tính theo quy hoạch đến tháng 7/2020 toàn huyện sẽ có 13 nhà máy thủy điện nhỏ đi vào hoạt động với tổng công suất 176MW, tăng thêm 71MW so với thời điểm 2015. Khi toàn bộ các nhà máy hoạt động, dự kiến, ngân sách huyện sẽ thu được khoảng 278 tỷ đồng giai đoạn 2016-2020. Bình quân mỗi năm huyện thu được 55 tỷ đồng từ thủy điện.
Bà Trịnh Thị Phượng, Trưởng phòng Tài chính huyện Bắc Yên so sánh, mỗi năm huyện cân đối được cấp chi thường xuyên từ 350 đến 400 tỷ đồng, thủy điện chỉ góp 1/7 số chi thường xuyên này liệu có đáng so với những hệ lụy thủy điện tạo ra?
Thực chất, thủy điện hiện nay chỉ mang lợi cho chính nhà đầu tư, nên cần có một chính sách đặc thù bắt doanh nghiệp cần cân đối lại cho địa phương đang phải gánh những hậu quả các nhà máy thủy điện trên địa bàn.
Tỉnh Lai châu cũng không nằm ngoài danh sách phá vỡ quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa. Từ năm 2004, Lai châu được Bộ Công thương quy hoạch 71 công trình thủy điện nhỏ. Đến nay, đã có tới 20 công trình đi vào hoạt động.
Các công trình còn lại đang mạnh ai, kẻ đó xây. Có công trình chưa được tỉnh cấp phép vẫn ngang nhiên xây dựng; có cả công trình đào hầm xuyên qua quốc lộ, vi phạm nghiêm trọng hành lang, an toàn đường bộ; xâm hại rừng đặc dụng… không hề bị xử lý.
Điều đáng nói là dù mới chỉ 20 nhà máy đi vào hoạt động nhưng quy trình tích nước, xả lũ không ai chỉ đạo vận hành, mà mạnh ai người đó làm. Hậu quả, cánh đồng Mường Than với hơn 400ha, vựa lúa thứ 3 của Tây Bắc thường xuyên khô hạn.
Khi chưa có thủy điện, dòng Nậm Mu mát trong luôn bồi đắp phù sa tưới tiêu nay trơ tận đáy. Những lớp phù sa bị vùi lấp bằng những tảng đá hộc sau mỗi kỳ thủy điện xả lũ.
Ông Lò Văn Yên, cán bộ xã Mường Than chia sẻ: "Các anh xem, cánh đồng đã đến mùa đổ ải mà thủy điện không chịu xả nước nên không gieo cấy được. Trước đây, chúng tôi có đủ nước làm 2 vụ, thu gần 3.000 tấn lương thực, nay trồng 1 vụ cũng không xong. Dân đói phải bỏ bản đi thôi".
Những ai từng đặt chân đến Sapa không thể quên được vẻ đẹp thơ mộng của con suối Mường Hoa uốn lượn dưới những thửa ruộng bậc thang di sản. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở VHTT Lào cai đích thân có nhiều văn bản phản đối các dự án thủy điện phá vỡ cảnh quan du lịch.
Hàng nghìn hộ dân an cư hai bờ suối bị đảo lộn bởi các dự án thủy điện nhỏ ầm ầm dựng lên. Hàng trăm nhà nghỉ dịch vụ homestay phải đóng cửa, các dòng suối khô kiệt không còn níu chân du khách. Hậu quả, mùa lũ về là người dân phải sơ tán, ruộng bậc thang trơ đáy không thể canh tác, khiến du khách xót xa trước cảnh đẹp nên thơ bị bê tông hóa phá nát.
Theo số liệu của Sở Công Thương Lào Cai, 51 nhà máy hiện nay chỉ cho sản lượng 870MW, một con số không thấm tháp về hiệu quả kinh tế so với mất mát của địa phương.
Mới đây, ông Nguyễn Phương Tuấn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội vừa có chuyến công tác giám sát tại Lào Cai đã có ý kiến: "Chúng ta chỉ phát triển thủy điện vừa và nhỏ ở mức độ nhất định. Khi triển khai dự án, cần phải đánh giá tác động môi trường cẩn trọng, cụ thể không nó sẽ ảnh hưởng kéo dài hàng chục năm cho đồng bào".
Lời ông Tuấn nói lại khác xa với thực tế đang diễn ra tại các địa phương làm thủy điện. Khi tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi luôn có câu hỏi đến các nhà quản lý có trách nhiệm tại địa phương về tài liệu đánh giá tác động của từng công trình thủy điện, nhưng đều nhận được câu trả lời không có hoặc công trình do Bộ Công Thương chỉ định.
Viddeo: Cận cảnh những công trình phát nát rừng phòng hộ Sóc Sơn
Cũng không phải địa phương nào cũng chào đón thủy điện, cũng không phải lãnh đạo nào cũng muốn phát triển nóng bằng mọi giá. Huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La là một ví dụ. Đã 6 năm nay, Công ty CP Thủy điện Việt Cường vẫn miệt mài về xã Quang Huy của huyện để thuyết phục xã, huyện cho xây dựng thủy điện nhỏ tại đầu nguồn suối Tấc thuộc bản Nà Xá.
Và cũng tới 4 lần doanh nghiệp chủ động xin đối thoại cùng dân nhưng không thành. Chính quyền và dân quyết không cho doanh nghiệp xây thủy điện. Ông Cầm Duy Khánh, Chủ tịch UBND xã cho biết, con suối Tấc bao đời nay là cuộc sống, là văn hóa sinh hoạt của đồng bào dân tộc Thái.
Với hơn 30km bắt nguồn từ Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái chảy qua 8 xã của huyện, là nguồn nước sinh hoạt, sản xuất duy nhất của đồng bào nên không vì lợi ích nhỏ mà đánh đổi được. Cũng vì giữ gìn được nên vụ đông xuân này, 165 ha ruộng nước của xã đã đủ nước cho đồng bào canh tác. Xã có 8.000 nhân khẩu, nhưng chỉ có 1.000 thanh niên đi lao động kỹ thuật cao ngoài huyện; đời sống đồng bào ổn định, kinh tế tăng trưởng bền vững.
Mới đây, đầu tháng 1/2020, khi tiếp xúc cử tri tại xã Quang Huy, huyện Phù Yên, bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội sau khi nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri đã kết luận, không tiếp tục triển khai thủy điện nếu như đồng bào không đồng tình và doanh nghiệp không có phương án đánh giá tác động của môi trường khi xây dựng.
Vậy làm thế nào để các địa phương trên địa bàn Tây Bắc thoát khỏi nỗi lo về thủy điện? Đã tròn 10 năm chương trình mục tiêu của Bộ Công Thương kêu gọi tư nhân hóa xây dựng thủy điện nhỏ và vừa, Bộ cũng cần có đánh giá đúng mức vấn về lợi hại của toàn bộ các công trình này trên địa bàn Tây Bắc. Làm thế nào để đồng bào các dân tộc Tây Bắc ổn định cuộc sống không phải tha hương, lao công xứ người?