Tây Ban Nha: Tham vọng tăng mạnh các siêu dự án hydro 'xanh'

Từ Andalusia đến xứ Basque, các siêu dự án hydro xanh đang trải rộng khắp Tây Ban Nha - quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực đầy triển vọng này. Dù vậy, nhiều người nghĩ đây là một canh bạc, vì mô hình kinh tế tương lai cho loại năng lượng này vẫn chưa xuất hiện.

Ông Miguel Angel Fernandez - Giám đốc Trung tâm Hydrogen Quốc gia (CNH2) của Tây Ban Nha, cho biết: “Mọi thứ đang diễn ra rất nhanh... Có rất nhiều sáng kiến mà chúng tôi không thể liệt kê ra hết”.

Vùng Puertollano - nơi đặt trụ sở CNH2, là một vùng nổi tiếng về hoạt động khai thác mỏ. Tại đây, gã khổng lồ năng lượng Iberdrola đã bắt đầu xây dựng một địa điểm dự án thí điểm từ mùa hè năm 2022. Họ nói đây sẽ là nhà máy sản xuất hydro xanh lớn nhất châu Âu, dùng để phục vụ cho hoạt động công nghiệp hiện thời.

Sau khi hoàn thành giai đoạn thử nghiệm, những bể chứa khổng lồ màu trắng của cơ sở tiên phong này sẽ được kết nối vào trang trại quang điện 100 MW. Cơ sở sẽ sản xuất tới 3.000 tấn hydro, giúp đáp ứng 10% nhu cầu tiêu thụ hàng năm của nhà máy sản xuất phân bón lân cận của gã khổng lồ Fertiberia.

Theo Iberdrola, cơ sở này sẽ giúp gã khổng lồ tránh phát thải tới 48.000 tấn CO2/năm. Doanh nghiệp này cũng đang muốn thử nghiệm năng lực sản xuất quy mô lớn tại địa điểm trên.

Ông Javier Plaza - người đứng đầu bộ phận hydro xanh tại Iberdrola, cho biết: “Nếu dự án hoạt động, chúng tôi sẽ khởi động giai đoạn thứ hai với quy mô lớn hơn nữa”, nhằm đảm bảo đáp ứng “100%” nhu cầu của nhà máy phân bón, trước khi mở rộng mô hình này sang những nhà máy khác của Fertiberia.

“Sôi động”

Sau Iberdrola, trong những tháng gần đây, nhiều đối thủ nặng ký trong ngành năng lượng của Tây Ban Nha (như Cepsa, Naturgy, Repsol...) cũng đã tham gia vào cuộc đua hydro xanh, bằng cách tung ra những dây chuyền sản xuất sản phẩm từ điện tái tạo - thay vì từ điện nhiên liệu hóa thạch như hydro “xám”.

Ở Andalusia (miền nam Tây Ban Nha), 3 tỷ euro sẽ được đưa vào đầu tư cho “Thung lũng hydro xanh Andalusia” - một khu phức hợp công nghiệp bao gồm 2 nhà máy khổng lồ, với khả năng sản xuất 300.000 tấn khí đốt không carbon kể từ năm 2027. Theo chủ dự án, loại khí này sẽ chỉ thải ra hơi nước khi đốt. Nhiều người đang đặt cược vào loại khí này để khử carbon trong ngành giao thông vận tải và công nghiệp.

Còn ở xứ Basque (miền bắc), 1,4 tỷ euro đã được rót vào một dự án với sự tham gia của khoảng 60 doanh nghiệp. Và ở Asturias (miền bắc), 15 trang trại quang điện sẽ hoàn tất xây dựng vào năm 2030, với công suất sản xuất hydro là 330.000 tấn.

Ông Rafael Cossent - nhà nghiên cứu tại Đại học Pontificia Comillas ở Madrid, nhấn mạnh: “Hiện nay, Tây Ban Nha đang rất sôi động”, giúp họ nắm vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực hydro. Theo ông, điều này là khả thi, vì Tây Ban Nha sở hữu nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời và gió cực kỳ to lớn.

Thật vậy, Tây Ban Nha có tiềm năng “sản xuất hydro tái tạo với sản lượng lớn, không chỉ để phục vụ cho nhu cầu của chính họ, mà còn đủ để xuất khẩu sang Bắc Âu. Hiệp hội Hydro Tây Ban Nha (AeH2) cho biết, có gần “50 dự án” đang được tiến hành.

Theo nội dung lộ trình được phê duyệt vào năm 2021, Chính phủ Tây Ban Nha đã lên kế hoạch đạt 4 GW công suất điện lắp đặt từ nay cho đến năm 2030. Tuy nhiên, ông Miguel Angel Fernandez ước tính: “Xét thấy số lượng công bố trong vài tháng gần đây, chúng tôi sẽ đạt 14 - 15 GW”.

Dẫn đường ống đến Pháp

Tuy nhiên, đối với Tây Ban Nha, tham vọng tăng tốc này là một canh bạc. Trên thực tế, hydro xanh hiện có chi phí sản xuất cao hơn nhiều so với hydro xám. Như vậy, loại năng lượng này chưa chứng minh được tiềm năng kinh tế, ngay cả khi chi phí biên đang giảm dần, giúp lĩnh vực này giữ thái độ lạc quan.

Đối với ông Rafael Cossent, nỗ lực phổ biến hóa việc sử dụng hydro xanh sẽ khiến mặt bằng phương tiện vận tải hoặc cơ sở công nghiệp trải qua “sự biến đổi sâu sắc”, làm thị trường hydro trở nên bấp bênh vì thiếu cân bằng giữa cung và cầu.

Vào tháng 1/2023, bà Cani Fernandez - người đứng đầu Cục Cạnh tranh Tây Ban Nha, đã lên tiếng cảnh báo: “Chúng tôi không thể tạo ra một nguồn cung quá lớn, vì lượng chi phí phát sinh sẽ làm “mất khả năng cạnh tranh trên tổng thể ngành công nghiệp của chúng tôi”.

Để đảm bảo sản xuất, Madrid trông cậy vào hệ thống đường ống dẫn ngầm tương lai giữa Barcelona và Marseille (có tên gọi là H2Med). Vào năm 2030, đường ống này sẽ giúp vận chuyển 2 triệu tấn hydro/năm.

Tuy nhiên, dự án này phải đối mặt với một loạt trở ngại, chủ yếu liên quan đến bản chất của khí hydro. Đây là những phân tử nhỏ, rất dễ bắt cháy và khó vận chuyển. Vì vậy, nhiều người nghi ngờ về thời hạn hoàn thành dự án đường ống này.

Dù vậy, gã khổng lồ Iberdrola cũng nhận thức được những khó khăn này. Ông Javier Plaza nói: “Đây là một cuộc đua dài hạn”. Theo ông, điều quan trọng là phải bắt đầu ngay bây giờ, bất chấp rủi ro, vì “ai đi trước thì sẽ có lợi thế hơn”.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tay-ban-nha-tham-vong-tang-manh-cac-sieu-du-an-hydro-xanh-684075.html