Tay chân miệng vào đỉnh dịch, nhiều ca nguy kịch
Những ngày gần đây, số ca mắc tay chân miệng (TCM) diễn biến phức tạp, nhiều bệnh viện nhi trên địa bàn TPHCM đã phải mở rộng thêm phòng bệnh, tăng cường bác sĩ điều trị. Các chuyên gia y tế cảnh báo, dịch còn tiếp tục tăng nhanh và có thể gây quá tải hệ thống y tế khi đỉnh dịch đang cận kề.
Bệnh nhi chuyển độ nhanh
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1, nếu như tuần trước, bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhi mắc TCM cần nhập viện điều trị thì trong tuần này lên đến hơn 200 ca. Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, cho biết, hầu như ngày nào cũng có trẻ phải đặt nội khí quản và chuyển xuống các khoa hồi sức. Bệnh TCM đang tiến sát đỉnh dịch, bệnh viện liên tục quá tải, bệnh nhi nhập viện phải nằm ghép 2-3 trẻ/giường. Các nhân viên y tế bệnh viện phải làm việc liên tục tăng ca cả ngày lẫn đêm.
Riêng Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện có 12 trẻ mắc TCM phải nằm hồi sức, trong đó có nhiều trẻ phải thở máy, lọc máu. Theo PGS-TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Khoa đang điều trị cho bệnh nhi mới chỉ 6 tháng tuổi ngụ tại huyện Bình Chánh (TPHCM) mắc TCM độ nặng phải lọc máu, đặt nội khí quản, chích tủy xương truyền thuốc…
Hiện Bệnh viện Nhi đồng 1 đang hoạt động hết công suất 8 phòng khám ngoại trú cho trẻ bị TCM với khoảng 400 lượt/ngày. Trẻ được tái khám liên tục để kịp thời phát hiện dấu hiệu chuyển nặng. Khoa Hồi sức tích cực cũng sẵn sàng dành 20 trong tổng số 30 giường bệnh phục vụ riêng các bé mắc TCM nặng và rất nặng.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, bác sĩ Lê Thị Kim Ngọc, Phó khoa Nhi C, cho biết, những năm trước các ca mắc TCM nặng nhập viện thường chỉ đến độ 2a, nhưng một tháng nay ngày nào khoa cũng có bệnh nhân chuyển độ từ 2a sang 2b hoặc đến độ 3. Khoa Nhi C có sức chưa 50 giường, nhưng hiện tại đã có 40 ca bệnh độ 2a.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 1.614 ca mắc TCM, tăng gần 2,5 lần so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số mắc TCM trên 100.000 dân tăng cao là: quận Bình Tân, Tân Phú, 6, 8 và huyện Bình Chánh.
Sẵn sàng các phương án ứng phó
Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, Bệnh viện Nhi đồng 1, đã trải qua các đợt dịch TCM lớn: năm 2011, 2018 và năm nay. Với kinh nghiệm từng chống nhiều đợt dịch nguy hiểm, bệnh viện sẵn sàng các phương án theo từng mức độ. Nhân viên y tế phải tăng ca mới đáp ứng lượng bệnh đang có. Thông thường một đêm chỉ có 5 điều dưỡng và 2 bác sĩ, hiện nay tăng lên 6 điều dưỡng, 3 bác sĩ chính và 2 bác sĩ phụ.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, ngành y tế TPHCM đã xây dựng kịch bản ứng phó gồm 3 cấp độ, thực hiện phân tầng điều trị với tầng cuối là các bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Sở Y tế đã phân công các Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp tục hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện thuộc tỉnh/thành phố phía Nam về công tác điều trị bệnh TCM để xử trí kịp thời, hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong. Khi nghi ngờ trẻ mắc TCM, phụ huynh nên cho con đi khám ở cơ sở y tế gần nhất để xác định bệnh, theo dõi sát tình hình. Cha mẹ không nên vì quá lo lắng mà đổ xô lên TPHCM gây quá tải. Các bệnh viện tỉnh hiện điều trị tốt bệnh lý này với thuốc men và nhân lực có chuyên môn. Nếu không được chăm sóc ban đầu, trẻ có thể chuyển nặng và nguy kịch trên đường chuyển viện lên TPHCM.
Long An: Số ca mắc TCM tăng nhanh
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An Huỳnh Minh Phúc cho biết, trong tháng 6, toàn tỉnh phát hiện và xử lý 9 ổ dịch TCM với 353 ca mắc, tăng 7 lần so với tháng trước (50 ca).
Tại tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay ghi nhận trên 500 ca mắc TCM, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tại tỉnh Đồng Tháp, tính đến thời điểm hiện tại, bệnh TCM ước tính có 1.327 ca mắc trên địa bàn, giảm 20% (giảm 326 ca) so với cùng kỳ năm 2022.
NGỌC PHÚC - PHAN HUY
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tay-chan-mieng-vao-dinh-dich-nhieu-ca-nguy-kich-post697686.html