'Tây Du Ký 1986' lừa khán giả ở tập phim về 7 nhện tinh như thế nào?
'Tây Du Ký' phiên bản kinh điển được quay cách đây hơn 30 năm, khi mà kỹ xảo lạc hậu, tư tưởng còn nhiều e ngại. Đoàn làm phim đã khá vất vả mới quay được tập ở Động Bàn Tơ.
Bộ phim Tây Du Ký do nữ đạo diễn Dương Khiết cầm trịch đã ăn sâu vào ký ức nhiều thế hệ khán giả. Mỗi câu chuyện, kỷ niệm trong phim đều khiến khán giả thích thú.
Ví dụ như trong tập 21 sư phụ lọt vào Động Bàn Tơ của 7 chị em yêu tinh nhện, đội ngũ sản xuất đã mất nhiều công sức mới có thể đem lại hiệu ứng kỳ ảo cho khán giả.
Theo chia sẻ từ đoàn làm phim Tây Du Ký, hơn 30 năm trước tư tưởng của các diễn viên còn truyền thống, việc mặc những bộ trang phục hở nhiều da thịt không được đồng ý. Chuyên gia trang điểm phải thiết kế những miếng lót trông như da thật, bó sát vào người để các diễn viên nữ mặc.
Ngoài ra, cảnh các yêu tinh nhện phun tơ vào động để bắt giữ Đường Tăng cũng không đơn giản. Đầu tiên, đội ngũ sản xuất phải để hai diễn viên nam gầy gò là Diệp Nhất Manh, Từ Đình Lôi thay thế các diễn viên nữ trong phân đoạn quay cận cảnh bụng, lý do là các nghệ sĩ nữ không muốn đóng cảnh hở táo bạo như vậy ở thời điểm đó.
Việc làm bộ phim Tây Du Ký viễn tưởng, thần tiên ma quái luôn đòi hỏi sức sáng tạo của các nhà làm phim, cảnh phun tơ cũng trải qua nhiều công đoạn thử nghiệm. Cuối cùng đạo diễn Dương Khiết quyết định đính sợi tơ vào người diễn viên, sau đó có người ở phía đối diện rung tay, hậu kỳ sẽ chịu trách nhiệm nhả khói để đánh lừa ánh mắt khán giả và cắt ghép cảnh quay sao cho không bị lộ.
Chiêu trò thay thế diễn viên nam đóng yêu tinh nhện còn được áp dụng ở cảnh tắm dưới nước. Đoàn làm phim để các nghệ sĩ nam quay cảnh tắm từ xa, tạo khói giả để che giấu. Cảnh cá vờn quanh chân diễn viên cũng được thay thế bằng chân của diễn viên nam có tên là Hạng Hán, anh còn là người phụ trách chỉ đạo võ thuật cho đoàn phim.
Trong cảnh Trư Bát Giới biến thành cá để đùa giỡn yêu tinh nhện, đạo diễn Dương Khiết chia sẻ bà lấy một con cá từ bếp ăn, buộc dây cước quanh mình và giật dây để cá chuyển động. Sau khi hoàn thành cảnh quay, bà trả lại cá cho nhà bếp. Thế nhưng, các diễn viên tham gia cảnh quay này vì biết sự thật nên không dám ăn canh cá vào bữa đó.
Dù áp dụng nhiều "chiêu trò" nhưng Tây Du Ký 1986 được coi là kinh điển, hình ảnh chừng mực. Trong khi đó, bản do Trương Kỷ Trung thực hiện năm 2010 bị chê phản cảm vì bầy Nhện tinh hở quá mức trước ống kính.