'Tây du ký 1986': Yêu quái rắn với nhan sắc đời thực xinh đẹp, tốt nghiệp trường điểm, sáng lập cả một học viện!
'Tây du ký 1986' là một trong những bộ phim kinh điển của Trung Quốc, nổi tiếng khắp châu Á. Bộ phim được khởi quay từ năm 1982 tới 1988 mới hoàn thành. Phần 2 của bộ phim được phát sóng vào năm 2000.
Sau khi "Tây du ký" bản 1986 được công chiếu, bộ phim đã nhanh chóng gây tiếng vang và trở thành một trong những tác phẩm kinh điển nhất mọi thời đại. Mặc dù kỹ xảo còn thô sơ nhưng đạo diễn Dương Khiết đã tìm đủ mọi cách để các cảnh quay được chân thật nhất.
Thời điểm quay phim, ê-kíp gặp nhiều khó khăn khi phải đi quay ngoại cảnh ở nhiều vùng xa xôi. Dù công nghệ và kĩ xảo không tân tiến như hiện tại nhưng đoàn phim "Tây du ký" vẫn tạo nên những cảnh quay kinh điển. Một trong những tập phim ấn tượng nhất là cảnh Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới đại chiến với mãng xà tinh trong tập 11 có tên "Tuyệt vực biến thông đồ". Tập phim này là phần 2 của "Tây du ký" được phát sóng năm 2000.
Hình ảnh mãng xà tinh lên hình chỉ trong thời lượng vài phút nhưng để đạt được hiệu ứng tốt nhất, đạo diễn và đoàn phim vẫn quyết định sử dụng con trăn thật. Điều này khiến nhiều khán giả ngưỡng mộ và đánh giá cao sự nghiêm túc, tận tâm với công việc của ê-kíp phim "Tây du ký" 1986.
Trong phim, mãng xà tinh được miêu tả là yêu tinh có vẻ đẹp tuyệt mỹ, làm rung động lòng người. Đảm nhận vai diễn này là nữ nghệ sĩ Bác Hoằng. Để duy trì nhan sắc, mãng xà tinh thường bắt cóc trai tráng trong thôn khỏe mạnh, lấy máu họ uống. Khi nguồn cung cấp máu bị cạn kiệt, yêu tinh này sẽ lộ nguyên hình là một lão bà.
Được biết, nghệ sĩ Bác Hoằng sinh ra ở Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ. Cô tốt nghiệp trường Đại học Truyền thông Trung Quốc. Đại học Truyền thông Trung Quốc được thành lập vào năm 1954. Hiện tại, ngôi trường này là một trong những trường đại học thuộc dự án xây dựng "Song Nhất Lưu", chỉ các trường đại học và ngành học được xếp hạng đẳng cấp hàng đầu theo kế hoạch phát triển giáo dục của Trung Quốc.
Ngoài vai diễn trong Tây du ký 1986 phần 2, Bác Hoằng còn ghi được dấu ấn qua nhiều bộ phim khác, trong đó nổi bật nhất có "Triều đại Khang Hy". Đây là bộ phim từng rất được yêu thích tại Việt Nam.
Diễn viên Bác Hoằng còn là nhà sản xuất, giám đốc kế hoạch, cổ đông của một công ty điện ảnh lớn. Không chỉ vậy, Bác Hoằng còn là nhà sáng lập kiêm giảng viên tại một học viện điện ảnh có trụ sở ở Bắc Kinh. Học viện này nhận được khá nhiều đánh giá tốt từ các học viên. Và trong dàn diễn viên Tây du ký 1986, Bác Hoằng thuộc top có cuộc sống thành đạt.
Tùng Lâm (t/h)