Tây Hòa thiết thực thực hiện Chỉ thị 40

Thời gian qua, mặc dù ngân sách còn hạn chế, nhưng UBND huyện Tây Hòa luôn quan tâm ưu tiên dành một phần ngân sách huyện ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại địa phương.

Người dân xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) tìm hiểu về các chương trình tín dụng chính sách được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã. Ảnh: LÊ HẢO

Người dân xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) tìm hiểu về các chương trình tín dụng chính sách được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã. Ảnh: LÊ HẢO

Mới đây, tại hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, UBND huyện Tây Hòa tiếp tục cân đối ngân sách địa phương ủy thác sang Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện thêm 500 triệu đồng. Đây là hành động thiết thực triển khai chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tập trung huy động các nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác NHCSXH

Ngày 5/8 vừa qua, chị Võ Thị Ngọc Sỉm ở thôn Thạnh Phú Tây (xã Hòa Mỹ Tây) được nhận 50 triệu đồng vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn địa phương. Chị Sỉm cho biết: Tôi bị bệnh đã mấy năm nay, không làm được việc gì nặng nhọc. Kinh tế gia đình phụ thuộc cả vào việc chồng tôi làm ruộng và làm thuê. Nhà lại có đến 6 miệng ăn (vợ chồng và 4 đứa con) nên lúc nào cũng phải co kéo. Vì vậy, được ngân hàng xét duyệt cho vay, tôi mừng lắm. Có vốn, chúng tôi mua 2 con nghé về nuôi. Hy vọng từ đây, kinh tế gia đình sẽ khá hơn.

Gia đình bà Hồ Thị Nở ở thôn Vinh Ba (xã Hòa Đồng) cũng là một trong những hộ được thụ hưởng nguồn vốn địa phương. Bà Nở cho hay: Tôi vay vốn tín dụng chính sách về đầu tư chăn nuôi. Đầu tiên là nuôi bò, khi bắt đầu có lãi thì tiếp tục mua heo về nuôi thêm. Tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do địa phương tổchức, qua đó nắm vững cách chăm sóc, điều trị bệnh cho heo, bò. Vật nuôi phát triển tốt, gia đình tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Theo ông Mai Ne, Phó Chủtịch thường trực UBND huyện, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Tây Hòa, những năm qua, tín dụng chính sách là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế địa phương.

“Khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, huyện Tây Hòa xác định đây là chỉ thị rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với một chính sách thiết yếu, một kênh tín dụng giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác… vươn lên ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.

Chính vì vậy, ngay từ những năm đầu thực hiện Chỉ thị 40, mặc dù ngân sách của huyện còn rất hạn chế, nhưng UBND huyện rất quan tâm ưu tiên dành một phần nguồn vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH để bổ sung vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại địa phương. Lũy kế đến nay, tổng nguồn vốn huyện ủy thác sang NHCSXH đạt hơn 13,8 tỉ đồng, tăng hơn 13,8 tỉ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW”, ông Mai Ne nói.

Hơn 41.000 lượt hộ được vay vốn

Theo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tây Hòa, từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Huyện ủy, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cùng sự nâng cao trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện ngày càng phát huy hiệu quả, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tây Hòa đã giải ngân 1.097 tỉ đồng cho hơn 41.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Qua đó góp phần giúp hàng nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 4.670 lao động; giúp hơn 1.000 lượt hộ vùng khó khăn vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; gần 2.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 14.800 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; 57 hộ vay vốn xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội; hơn 730 học sinh được vay vốn mua máy tính phục vụ học trực tuyến... Tổng dư nợ đến 31/7/2024 hơn 517 tỉ đồng với 10.689 hộ còn dư nợ; nợ quá hạn chỉ chiếm 0,11%.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tây Hòa cho biết: Đơn vị sẽ phối hợp với các hội đoàn thể nhận ủy thác và chính quyền địa phương tập trung thực hiện tốt các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, chất lượng tín dụng, củng cố tổ tiết kiệm và vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, nhằm đảm bảo việc sử dụng vốn đúng mục đích, an toàn, phát huy hiệu quả. Phòng giao dịch cũng tiếp tục tham mưu HĐND, UBND huyện quan tâm cân đối vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH tăng đều hàng năm để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được thụ hưởng. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền; lồng ghép hiệu quả giữa cho vay và hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình, dự án làm ăn hiệu quả, thoát nghèo bền vững…

Từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Huyện ủy, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cùng sự nâng cao trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Tây Hòa ngày càng phát huy hiệu quả…

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/319515/tay-hoa-thiet-thuc-thuc-hien-chi-thi-40.html