'Tay không' hái sấu – đừng đùa giỡn với tính mạng
Những ngày này, trên nhiều tuyến phố của Thủ đô Hà Nội xuất hiện không ít hình ảnh người lao động leo trèo trên các cây sấu cổ thụ trồng hai bên đường để thu hoạch sấu nhưng không có dụng cụ bảo hộ. Chứng kiến hình ảnh này, nhiều người đã bày tỏ lo lắng về mức độ an toàn của công việc này.
Những cây sấu cổ thụ trồng trên các tuyến phố như Hoàng Diệu, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng… đang sai trĩu quả. Nhiều người lao động tự do tranh thủ những ngày này để leo trèo hái sấu, bán cho khách, kiếm thêm thu nhập. Điều đáng nói, không ít người leo trèo trên các cây sấu cổ thụ cao hàng chục mét nhưng không sử dụng các dụng cụ bảo hộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn và tai nạn đối với người lao động.
Chứng kiến nhiều người leo trèo trên các cây sấu cổ thụ trên tuyến phố Trần Hưng Đạo để hái sấu nhưng không có dụng cụ bảo hộ, anh Hoàng Minh Thái (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ sự lo lắng: “Độ cao trung bình từ mặt đất lên tới những cành có sấu cùng phải gần chục mét. Trong khi đó, nhiều người cứ “tay không” trèo lên hái sấu rất nguy hiểm. Chưa kể, trong quá trình leo trèo ra các cành xa, không may gặp sự cố như chuột rút, căng cơ hay cành cây bị mục, gẫy thì không biết hậu quả sẽ như thế nào.”
“Công việc hái sấu này giúp không ít người tăng thêm thu nhập nhưng nếu cứ liều mạng, “tay không” leo trèo thì quá nguy hiểm. Nếu có sự cố xảy ra thì liệu số tiền thu được có bù đắp được những tổn hại về sức khỏe hay không? Mong rằng, những người đang mưu sinh bằng nghề hái sấu hãy tự ý thức đảm bảo an toàn cho bản thân bằng cách sử dụng đồ bảo hộ lao động khi leo trèo hái sấu” – anh Thái bày tỏ.
Nhiều người đang làm công việc hái sấu cũng chia sẻ, mặc dù biết mức độ nguy hiểm của công việc tương đối cao nhưng đổi lại thu nhập từ việc hái sấu lên đến cả triệu đồng trong một ngày. Anh Nguyễn Văn Nam (quê Thái Nguyên) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa này là tôi lại tạm gác công việc đánh giày thường ngày để đi hái sấu. Công việc nào cũng vất vả cả, đặc biệt là nghề hái sấu này lại hết sức nguy hiểm khi phải leo trèo lên thân cây vừa lớn vừa cao. Nhưng đổi lại tôi kiếm được tiền triệu mỗi ngày, đó là khoản tiền lớn đối với những người lao động tự do như chúng tôi.”
“Nhiều khách hàng và cả những người chứng kiến chúng tôi leo trèo đều nhắc nhở phải cẩn thận và khuyên dùng đồ bảo hộ. Nhưng sắm đồ bảo hộ vừa tốn kém lại làm mất thời gian khi leo trèo nên chúng tôi ngại sử dụng. Khi leo trèo, chúng tôi cũng bảo nhau phải cẩn thận, tránh những cành nhỏ, cành bị mục, có nguy cơ gẫy cao để giảm rủi ro cho bản thân” – anh Nam chia sẻ.
Thiết nghĩ, hiệu quả công việc và nguồn thu nhập cần được đặt lên hàng đầu nhưng với những công việc có mức độ nguy hiểm cao thì điều quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn cho bản thân, cần trang bị bảo hộ lao động trong quá trình làm việc để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tay-khong-hai-sau-dung-dua-gion-voi-tinh-mang-92505.html