Tay máy Dạ Miêu và 'nàng thơ' Lộn Xộn band vượt định kiến giới để sống với đam mê

Dạ Miêu - 'nàng mèo bóng đêm' thích chụp ảnh phụ nữ - nổi tiếng trong giới chơi ảnh Hà Nội. Phan Thanh Nhàn - nữ ca sĩ duy nhất trong ban nhạc Lộn xộn - giờ đã có những thành công nhất định. Song, 2 cô gái này đã phải vượt qua định kiến giới trong công việc để sống với niềm đam mê.

Dạ Miêu - tay máy của phái đẹp

Người ta gọi Dạ Miêu là tay máy của phái đẹp bởi cô đặc biệt thích chụp phụ nữ và khám phá vẻ đẹp bên trong của họ, dù họ bình thường hay nổi tiếng. Thích chụp ảnh từ nhỏ, từ năm học lớp 8, Dạ Miêu đã lấy trộm máy ảnh của bố để chụp. Bởi chính bố đã thắp lên niềm đam mê chụp ảnh cho cô lại không muốn con gái gắn bó với công việc này. Ông muốn con làm ổn định, an nhàn chứ không theo đuổi công việc quá khó khăn, vất vả. Thế nhưng, Dạ Miêu quả quyết với bố: "Con không thích cuộc sống bình lặng, con muốn được làm những việc mình thích".

Dạ Miêu - nàng "mèo bóng đêm" thích chụp ảnh phụ nữ

Dạ Miêu - nàng "mèo bóng đêm" thích chụp ảnh phụ nữ

Dạ Miêu chia sẻ, để biết đó có phải là công việc mình muốn hay không thì xác định mình có muốn thức dậy trong những ngày mưa để đi làm, có hạnh phúc khi làm công việc đó. Còn nếu thấy công việc đó quá khó khăn, không thể chịu được thì đó chưa phải là đam mê. Đam mê chính là cái mà mình muốn, để mình có thể hy sinh để theo đuổi.

3 năm trước, do bị gia đình ngăn cản nên mục tiêu lúc đó của Dạ Miêu chỉ là quyết tâm thực hiện hình ảnh người phụ nữ qua ống kính của cô phải trở nên thật đẹp. Sau thời gian đi du học, mỗi bức ảnh Dạ Miêu phải là câu chuyện, phải để lại giá trị cho người xem. Đó không phải là bức ảnh đơn thuần mà bức ảnh có thể truyền tải những giá trị khác cho mọi người. Còn dự án trong tương lai của Dạ Miêu sẽ là những giá trị cốt lõi về tình yêu, về tình yêu của phụ nữ Việt Nam.

Dạ Miêu (trái): Yêu bản thân là dành thời gian tìm hiểu mình muốn gì, lắng nghe chính mình

Dạ Miêu (trái): Yêu bản thân là dành thời gian tìm hiểu mình muốn gì, lắng nghe chính mình

Cô nhận ra, nếu yêu bản thân mình thì mới yêu được những người xung quanh, làm được những điều tốt đẹp cho những người xung quanh. Yêu bản thân mình là dành thời gian tìm hiểu bản thân mình muốn gì, lắng nghe bản thân mình.

Theo Dạ Miêu, giờ không còn ranh giới công việc giữa nam và nữ. Không có chuyện đàn ông làm nghề này phù hợp hơn mà quan trọng nếu có khả năng thì sẽ làm hết sức. “Các bạn trẻ phải luôn tin vào bản thân để tự tin hơn trong cuộc sống, làm được nhiều thứ hơn. Các bạn cần yêu bản thân hơn, đừng để người khác định hướng cuộc sống của bạn”, Dạ Miêu chia sẻ.

Phan Thanh Nhàn - nàng thơ của Lộn xộn band

Đến bây giờ, dù Thanh Nhàn đã là ca sĩ được nhiều người biết đến nhưng bố cô vẫn mong con gái có một công việc ổn định chứ không phải theo con đường ca hát, dấn thân vào showbiz. Thanh Nhàn cho biết, đó cũng là định kiến công việc mà cô phải vượt qua.

Phan Thanh Nhàn - nàng thơ của nhóm nhạc Lộn xộn

Phan Thanh Nhàn - nàng thơ của nhóm nhạc Lộn xộn

Bởi, ở showbiz, nghệ sĩ nữ bị hứng nhiều chỉ trích hơn. “Cô ca sĩ dùng hàng hiệu thì ngay lập tức bị cho rằng có đại gia bao mà không nghĩ rằng cô ấy đã phải lao động nghệ thuật nhiều thế nào. Hoặc ngoại hình, lối sống cũng bị đem ra phán xét. Những búa rìu dư luận chĩa vào nghệ sĩ nữ như vậy nên họ dễ bị tổn thương hơn. Những bình luận ác ý ảnh hưởng rất nhiều đến nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ nữ”, Thanh Nhàn tâm sự.

Chia sẻ về vấn đề bình đẳng giới, nữ ca sĩ của ca khúc "Người yêu tôi không có gì để mặc" cho biết: Nữ quyền không có nghĩa là ngồi một chỗ gào thét tôi phải có quyền thế này thế kia, bắt bạn nam làm việc nặng, còn bạn nữ chỉ làm việc nhẹ. Nữ quyền là bạn nữ có quyền với bản thân mình, cuộc đời mình, biết mình xứng đáng được hưởng điều gì.

Phan Thanh Nhàn (trái): Các bạn cần yêu bản thân hơn, đừng để người khác định hướng cuộc sống của bạn

Phan Thanh Nhàn (trái): Các bạn cần yêu bản thân hơn, đừng để người khác định hướng cuộc sống của bạn

Cô ca sĩ của Lộn xộn band cho biết, với phụ nữ, việc đấu tranh đòi bình đẳng diễn ra mỗi ngày mỗi giờ. Như cô, trong quá trình làm nghệ thuật, cô phải đấu tranh với gia đình. “Dù bố mình tạo điều kiện nhưng không có nghĩa là bố luôn ủng hộ trên con đường nghệ thuật. Bố luôn muốn con gái làm nghề khác vì nghề này nhiều gian truân, cám dỗ. Dù mình đấu tranh rất nhiều rằng con không phải là người phụ nữ bình thường, con có hoài bão, ước mơ. Thế nhưng, bố chưa một lần thực sự nhìn nhận mình. Dù mình có thành tựu nhất định thì bố luôn giấu đi. Bố luôn tạo áp lực cho mình. Trước những định kiến ấy khiến mình luôn phải đấu tranh”.

Để có sự bình đẳng với phụ nữ, theo Phan Thanh Nhàn, hãy luôn nuôi niềm tin, luôn tin người phụ nữ ngày nào đó biết yêu bản thân mình, đứng lên đấu tranh hãy cùng yêu bản thân mình và có quyền bình đẳng với bất cứ ai trên cuộc đời này.

Rise Hanoi - dự án về bình đẳng giới và nữ quyền của nhóm nữ sinh Hà Nội

Rise Hanoi - dự án về bình đẳng giới và nữ quyền của nhóm nữ sinh Hà Nội

Những câu chuyện về bình đẳng giới của 2 nữ nghệ sĩ trên thuộc một talkshow do Rise Hanoi thực hiện. Điều đặc biệt là dự án này là của 5 nữ sinh các trường THPT ở Hà Nội (trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Sư phạm, chuyên ngữ, Well Spring, Hà Nội Academy). Chia sẻ về dự án bình đẳng giới và nữ quyền, Cao Lâm, nữ sinh lớp 11 trường Hà Nội Academy, cho biết, hiện nay vẫn còn nhiều định kiến như “Con gái thì cần gì học rộng tài cao, chỉ cần có công việc lương đủ sống rồi ổn định gia đình là được; Thân là nam nhi, ai lại thích nhảy nhót như thế? Hay con gái thì không hợp với ngành nọ, nghề kia”. Chính những định kiến ấy đã ngăn cản các bạn nữ làm những gì họ muốn.

Cao Lâm (phải): Liệu tất cả mọi người đã có một cái nhìn bao quát về Bình Đẳng Giới hay chưa, hay chúng chỉ dừng lại ở hai chữ Nữ Quyền?

Cao Lâm (phải): Liệu tất cả mọi người đã có một cái nhìn bao quát về Bình Đẳng Giới hay chưa, hay chúng chỉ dừng lại ở hai chữ Nữ Quyền?

Trưởng nhóm Rise Hanoi Cao Lâm cũng cho biết: “Bình đẳng giới” - cụm từ đã quá quen thuộc với tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay. Thế nhưng, câu hỏi mà chúng tôi đặt ra: Đã bao giờ là đủ cho một vấn đề to lớn và quan trọng này? Liệu tất cả mọi người đã có một cái nhìn bao quát về Bình Đẳng Giới hay chưa, hay chúng chỉ dừng lại ở hai chữ Nữ Quyền? Và nếu chưa thật sự có một cái nhìn toàn diện về Bình Đẳng Giới, liệu chúng ta có thể thay đổi cách nhìn của bản thân, của mọi người và của cả thế giới được hay không?

“Với sứ mệnh nâng cao tầm hiểu biết của cộng đồng về bình đẳng giới, cũng như những cái nhìn mới về nữ quyền, Rise Hanoi mong muốn phá bỏ những rào chắn định kiến tồn tại trong nhiều thế kỷ qua. Thông qua những chia sẻ và các câu chuyện dưới góc nhìn của giới trẻ, BTC dự án Rise Hanoi hy vọng phần nào đóng góp vào bức tranh về bình đẳng giới những gam màu tương sáng”, Cao Lâm chia sẻ.

Nhật Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xa-hoi/tay-may-da-mieu-va-nang-tho-lon-xon-band-vuot-dinh-kien-gioi-de-song-voi-dam-me-post65899.html