Tây Nguyên cần có cơ chế đặc thù để phát triển bền vững

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tây Nguyên cần có cơ chế đặc thù để phát triển bền vững, đẩy mạnh phân cấp. Đồng thời, quản lý chặt chẽ rừng, để người quản lý bảo vệ rừng gắn bó được với rừng.

Còn nhiều vướng mắc trong vấn đề quy hoạch bauxite

Ngày 2/8, tại tỉnh Đắk Lắk, Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng làm việc tại vùng Tây Nguyên. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và chủ trì hội nghị.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại buổi làm việc.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại buổi làm việc.

Tại hội nghị, các địa phương khu vực Tây Nguyên đã báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các tỉnh.

Đồng thời, các địa phương bày tỏ, đây là cách làm mới, rất cần thiết của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội khi làm việc với các địa phương để lắng nghe, ghi nhận những kinh nghiệm, mô hình hay cũng như chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển và đề xuất, kiến nghị với trung ương.

Cụ thể, các tỉnh Tây Nguyên còn nhiều vướng mắc trong vấn đề quy hoạch bauxite, đang cản trở việc triển khai dự án đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng đề nghị Trung ương xây dựng chính sách phù hợp với đặc thù, văn hóa xã hội và tự nhiên của khu vực, gắn với nguồn lực thực hiện, bố trí nguồn lực. Đồng thời, tiến hành tổng rà soát đánh giá thực sự về rừng, để xác định rõ thực trạng rừng, làm cơ sở chuyển đổi giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr phát biểu phản hồi ý kiến các địa phương.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr phát biểu phản hồi ý kiến các địa phương.

Đối với việc phát triển nguồn nhân lực, các tỉnh Tây Nguyên kiến nghị trung ương tăng cường số lượng, cơ sở vật chất, giáo viên cho các trường dân tộc nội trú, trường dạy nghề.

Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên cũng kiến nghị trung ương phân cấp cho địa phương trong việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch địa phương, thẩm định dự án phát triển kinh tế; quan tâm đầu tư bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực phát triển bền vững; quan tâm hơn nữa đối với cán bộ cơ sở…

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành trung ương cũng có những phản hồi các ý kiến, kiến nghị của địa phương. Mặt khác, cập nhật tình hình sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định về chỉ tiêu sử dụng đất, quy hoạch bauxite, giáo trình dạy tiếng dân tộc thiểu số, định hướng phát triển y tế,… Đồng thời, gợi mở những động lực để Tây Nguyên phát triển bền vững.

Tây Nguyên có nhiều tiềm năng nhưng chính sách khai thác chưa hiệu quả

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, những ý kiến tại hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để Tiểu ban kinh tế xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng có cơ sở xây dựng báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các tỉnh Tây Nguyên trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân và đảm bảo quốc phòng an ninh.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, Tây Nguyên có tiềm năng nhiều nhưng chính sách khai thác tiềm năng chưa hiệu quả. Do đó, Tây Nguyên cần có sự ưu tiên nhất định.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Tây Nguyên cần có cơ chế đặc thù để phát triển bền vững, đẩy mạnh phân cấp; quan tâm công tác dân tộc, cán bộ người dân tộc, người làm công tác dân tộc; quản lý chặt chẽ rừng và để người quản lý bảo vệ rừng gắn bó được với rừng; đồng bộ quy hoạch đúng định hướng để phát triển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; làm tốt chính sách di cư ngoài kế hoạch…

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tay-nguyen-can-co-co-che-dac-thu-de-phat-trien-ben-vung-204240802143837991.htm