Tây Nguyên căng sức ứng phó thiên tai, cứu trợ người dân vùng ngập lũ
Đợt mưa lũ lần này tại các tỉnh Tây Nguyên đã bước sang ngày thứ 4, với nhiều thiệt hại cả về người, tài sản, sản xuất và cơ sở hạ tầng.
Chính quyền, cơ quan chức năng và người dân Tây Nguyên vừa phải khẩn trương khắc phục hậu quả ở những vùng lũ đã rút để ổn định cuộc sống, đồng thời tập trung ứng phó các tình huống nguy hiểm mới phát sinh.
Sự cố gây nguy hiểm hàng đầu trong đợt mưa lũ lần này ở Tây Nguyên là công trình Thủy điện Đăk Kar, đang thi công tại xã Đăk Ru, huyện Đăk Rlấp, tỉnh Đắk Nông, giáp ranh tỉnh Bình Phước. Van xả lũ của hồ thủy điện hơn 13 triệu mét khối bị kẹt khiến nước không ngừng dâng cao, gây nguy cơ vỡ đập, đe dọa nghiêm trọng an toàn dân cư khu vực hạ du thuộc các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước và Lâm Đồng. Hiện các tỉnh đã tổ chức di dời khẩn cấp hơn 5.700 người dân đến nơi an toàn.
Trong diễn biến mới nhất, ông Lê Viết Thuận, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCLB tỉnh Đăk Nông cho biết, nguy cơ vỡ đập đã tạm thời được giải trừ, khi thủy điện Đăk Kar xả lũ qua đường ống áp lực. Người dân vẫn chưa được phép trở lại vùng hạ du thủy điện, vì thủy điện này vẫn bị đe dọa nếu có mưa lớn.
"Sau khi tháo lũ qua đường ống áp lực, nước đã rút được khoảng 3 mét vào 8h sáng 9/8. Hiện tại đã rút thêm được mấy chục phân nữa. Cửa van xả lũ vẫn chưa khắc phục được, phải chờ nước rút thêm. Đập này đến nay cũng chưa thể coi là an toàn vì mưa lũ là khó lường", ông Thuận nói.
Sự cố lớn thứ hai là về giao thông, xảy ra trên đèo Bảo Lộc (nối TP Bảo Lộc và huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng), với 6 điểm sạt lở, khoảng 1.000m3 đất đá đổ xuống đường, hất văng 2 ô tô xuống vực. Giao thông tuyến TP HCM - Đà Lạt qua Quốc lộ 20, bị ách tắc hoàn toàn. Suốt buổi sáng 9/8, toàn bộ xe lưu thông qua tuyến đèo này đều bị ngừng lại ở 2 bên đầu đèo. Các phương tiện muốn lưu thông, sẽ phải vòng qua Cao tốc Long Thành -Dầu Giây, vào Quốc lộ 55.
Ngoài Quốc lộ 20, Quốc lộ 14 C, đoạn nối các xã biên giới của huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk cũng vẫn bị nước lũ chia cắt nhiều đoạn. Lực lượng chức năng đã điều ca nô và cán bộ chuyên trách để đưa hàng cứu trợ vào vùng lũ và đưa người dân ở vùng bị lũ chia cắt ra khu vực trung tâm, trong những tình huống cần thiết.
Đến thời điểm này, đợt mưa lũ trong hơn 3 ngày qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tỉnh Tây Nguyên, với hàng chục ngàn ha hoa màu bị thiệt hại, nhiều nhà cửa bị ngập nước. Mưa lũ cũng đã gây thiệt hại lớn về người ở các tỉnh với 9 người chết đã được ghi nhận, trong đó có 4 người ở tỉnh Đăk Nông, 2 người ở Kon Tum. Các tỉnh Đăk Lăk, Lâm Đồng, Gia Lai, mỗi tỉnh có 1 người chết.
Sáng 9/8, Tây Nguyên vẫn tiếp tục có mưa, các tỉnh vẫn đang căng sức ứng phó với các tình huống thiên tai có thế phát sinh. Cùng với đó, cũng đẩy mạnh công tác cứu trợ, giúp nhân dân ở các vùng ngập lũ, bị chia cắt bởi lũ, ổn định cuộc sống.
Ở Lâm Đồng, trọng tâm cứu trợ là các huyện Lạc Dương, ĐạTẻ và thành phố Bảo Lộc; ở Đăk Lăk, là 2 huyện Ea Súp và Buôn Đôn. Các đoàn công tác của tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh Đăk Lăk đã tới các vùng ngập nặng để động viên nhân dân vượt qua khó khăn. Ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk, đã yêu cầu các xã thực hiện cứu trợ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, để công việc này đạt hiệu quả thực sự: "Cấp xã phải lưu ý hỗ trợ đúng người bị thiệt hại, đúng những người đang gặp khó khăn. Không để xảy ra tình trạng gặp ai cho người ấy, người thật sự cần thì không có, còn người được hỗ trợ có khi lại không cần", ông Cường nhấn mạnh./.