Tây Nguyên 'gồng mình' chống hạn

Tây Nguyên đang bước vào cao điểm mùa khô, tại nhiều địa phương, mực nước sông, suối, hồ chứa công trình thủy lợi đã bắt đầu giảm, nhiều hồ về mực nước chết khiến nông dân 'gồng mình' tìm nguồn nước tưới cứu cây trồng.

Hồ khô, cây khát

Xã A Dơk (huyện Đắk Đoa, Gia Lai), vụ Đông Xuân 2024 - 2025 gieo trồng 120ha lúa nước, trong đó có khoảng 46ha tại cánh đồng Đăk Kút đã rơi vào tình trạng bị khô hạn nặng.

Tại cánh đồng Đắk Kút, nhiều thửa ruộng đã nứt nẻ, lúa đang trổ bông thiếu nước dẫn đến khô lép, nguy mất trắng hoàn toàn.

 Hệ thống kênh mương thủy lợi chạy qua cánh đồng Đắk Kút khô hạn, không một giọt nước

Hệ thống kênh mương thủy lợi chạy qua cánh đồng Đắk Kút khô hạn, không một giọt nước

Ông Mluih (làng Bi Ă, xã A Dơk) cho biết, gia đình có 3 sào lúa nước. Các năm trước, nước tưới vẫn đảm bảo, gia đình thu hoạch lúa bình thường. Năm nay, khí hậu thay đổi, các nguồn nước tưới khô cạn sớm, lúa không thể phát triển nên gia đình đành cắt lúa về làm thức ăn cho bò.

Tương tự, không có nước tưới, 5 sào lúa của gia đình bà Hơi (làng Bi Ă, xã A Dơk) cũng đối diện nguy cơ mất trắng.

 Thiếu nước, lúa bị lép, cháy lá, người dân làng Bi Ă đành phải cắt về làm thức ăn cho bò

Thiếu nước, lúa bị lép, cháy lá, người dân làng Bi Ă đành phải cắt về làm thức ăn cho bò

Lãnh đạo xã A Dơk cho biết, thời tiết năm nay diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài và không có mưa khiến đất đai khô cạn. Ngay cả hệ thống kênh mương thủy lợi đi qua cánh đồng cũng không còn một giọt nước khiến người dân rơi vào tình thế khó khăn.

Theo thống kê, đã có khoảng 50ha lúa vụ Đông Xuân trên địa bàn huyện Đắk Đoa bị khô hạn, thiệt hại từ 70% đến mất trắng.

Tương tự, tại huyện Chư Sê, vụ Đông Xuân 2024 - 2025, toàn huyện gieo trồng 2.365ha. Toàn huyện có khoảng 24 đập thủy lợi lớn nhỏ, mực nước các sông suối, hồ đập trên địa bàn đang thấp hơn trung bình nhiều năm. Dù huyện đã triển khai nhiều giải pháp chống hạn, nhưng nguy cơ thiếu nước tưới vẫn đang hiện hữu.

 Hồ thủy lợi Đắk M'Bai ở Đắk Nông cạn trơ đáy, nứt nẻ

Hồ thủy lợi Đắk M'Bai ở Đắk Nông cạn trơ đáy, nứt nẻ

Tại vùng Nam Tây Nguyên, tình trạng khô hạn cũng diễn ra phức tạp. Giữa trưa nắng chói chang, ông Phạm Văn Phu (xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) vẫn miệt mài đào bới dưới lòng hồ thủy lợi Đắk M’Bai với hy vọng bòn vét được ít nước ngầm để cứu vườn sầu riêng đang héo rủ.

“Gia đình có gần 1ha sầu riêng đang giai đoạn cho ra hoa. Tuy nhiên, hiện nay hồ thủy lợi duy nhất ở khu vực đã cạn kiệt nước nên nguy cơ vườn sầu riêng sẽ bị hư hại”, ông Phu lo lắng.

 Nông dân ở Đắk Nông vất vả tìm nước tưới cứu cây trồng

Nông dân ở Đắk Nông vất vả tìm nước tưới cứu cây trồng

Hồ Thủy lợi Đắk M’Bai được thiết kế, xây dựng nhằm cung cấp nước tưới cho khoảng 70ha đất nông nghiệp của xã. Thế nhưng, thời điểm hiện tại hồ chỉ còn một vũng nước nhỏ, xung quanh mặt đất nứt nẻ cho thấy nước tại khu vực này đã cạn kiệt từ rất lâu.

Tại xã Đắk Lao (Đắk Mil), 6/7 hồ chứa nước của địa phương đã cạn kiệt nước. Thời gian tới nếu không có mưa, khoảng 700ha cây công nghiệp của địa phương sẽ thiếu nước, ảnh hưởng tới năng suất.

 Cây cà phê đang dần vàng lá vì thiếu nước tưới

Cây cà phê đang dần vàng lá vì thiếu nước tưới

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đắk Mil, toàn huyện hiện có 9 công trình thủy lợi đã cạn kiệt nước. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, một số xã như Đắk Lao, Đắk N’Drót, Đắk Gằn, Đắk R’la sẽ thiếu nước tưới nghiêm trọng.

Tại Kon Tum, thống kê từ ngành nông nghiệp tỉnh, đã có khoảng 380ha lúa, cây công nghiệp, rau màu bị ảnh hưởng do mực nước các hồ thủy lợi xuống chạm đáy. Có 5 công trình, hồ chứa thủy lợi có nguy cơ thiếu nước, không đủ nhu cầu tưới của người dân.

Tìm nhiều giải pháp ứng cứu cây trồng

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, năm 2024, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận tổng lượng mưa 1.623mm, thấp hơn 10% so với trung bình nhiều năm. Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi một số khu vực như Ea H’leo, Buôn Đôn, Krông Năng lượng mưa hụt đến 20 - 40%.

 Hồ thủy lợi buôn Riêng ở xã Ea Ral, huyện Ea H'leo (Đắk Lắk) chỉ còn lại một vũng nước nhỏ

Hồ thủy lợi buôn Riêng ở xã Ea Ral, huyện Ea H'leo (Đắk Lắk) chỉ còn lại một vũng nước nhỏ

Tính đến giữa tháng 4.2025, lượng mưa trung bình toàn tỉnh chỉ đạt 59,8mm, thấp hơn từ 40 - 60% so với cùng kỳ nhiều năm, đẩy nguy cơ khô hạn lên cao. Đặc biệt, tại các vùng phụ thuộc vào hệ thống hồ chứa, tình trạng thiếu nước cục bộ đã bắt đầu gây ảnh hưởng.

Ông Phạm Quốc Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi huyện Ea Súp cho biết, hiện đơn vị đang quản lý 7 hồ chứa, với tổng diện tích tưới gần 8.500 ha, trong đó hồ Ea Súp thượng bảo đảm tưới 8.300 ha.

Chi nhánh đã phải triển khai tưới luân phiên từ giữa tháng 3.2025 khi hồ Ea Súp thượng cạn chạm ngưỡng báo động. Đến nay, diện tích trong vùng tưới chưa ghi nhận thiệt hại do khô hạn, nhưng nguy cơ thiếu nước cuối vụ ở các xã Ya Tờ Mốt, Ia Rvê và Ea Bung là rất lớn.

Đáng lo ngại hơn là đến giữa tháng 4.2025, hồ Ea Súp thượng đã xuống dưới mực nước chết 1,7m, buộc đơn vị phải tính đến phương án sử dụng nguồn nước dự trữ ở hồ Ea Súp hạ để tưới thêm một lần nữa nếu đến cuối tháng 4.2025 vẫn chưa có mưa.

 Hồ buôn Tung ở huyện Lắk (Đắk Lắk) về mực nước chết

Hồ buôn Tung ở huyện Lắk (Đắk Lắk) về mực nước chết

Đáng mừng là đến thời điểm này, trên một số cánh đồng của vựa lúa biên giới Ea Súp, nông dân đã bắt đầu thu hoạch những trà lúa chín sớm.

Ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý công trình Thủy lợi Đắk Lắk cho biết, ngay từ đầu vụ, công ty đã chủ động rà soát, kiểm tra tình hình nguồn nước, diện tích tưới của từng công trình để lập phương án phòng, chống hạn.

Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương đẩy sớm lịch thời vụ ở những vùng có nguy cơ thiếu nước, kiên quyết cắt giảm diện tích tưới ở những công trình không bảo đảm nguồn cung.

Bên cạnh đó, công ty cũng đã chỉ đạo các chi nhánh trong thời gian mở cống phục vụ tưới phải bố trí người thường xuyên túc trực tại công trình, tưới tiết kiệm, điều tiết nước hợp lý ngay từ đầu vụ, không để thất thoát nguồn nước.

 Hồ thủy lợi Ea Súp thượng cung cấp nước tưới cho vùng sản xuất lúa ở huyện biên giới mực nước đang xuống rất thấp

Hồ thủy lợi Ea Súp thượng cung cấp nước tưới cho vùng sản xuất lúa ở huyện biên giới mực nước đang xuống rất thấp

Mặc dù vậy, ông Bảo cũng bày tỏ lo ngại về tình hình lâu dài khi đã có 32 hồ chứa cạn nước, riêng hồ Ea Súp thượng đã xuống rất thấp; ở các khu vực phía Bắc của tỉnh, người dân đang phải sử dụng nước giếng khoan hỗ trợ tưới cà phê vì các hồ nhỏ đã cạn kiệt nước.

“Đến thời điểm này, công ty đã và đang thực hiện chống hạn cho 7 công trình, với tổng diện tích trên 1.000ha. Hiện nay, công ty cũng đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết và nguồn nước tại các công trình để có chỉ đạo kịp thời đối với công tác phục vụ tưới vụ Đông Xuân 2024 - 2025 và có phương án phục vụ sản xuất cho bà con nông dân đạt hiệu quả tốt nhất”, ông Bảo cho hay.

 Để cứu cây trồng, người dân đào ngay trong lòng hồ thủy lợi tìm nước ngầm

Để cứu cây trồng, người dân đào ngay trong lòng hồ thủy lợi tìm nước ngầm

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cũng đã yêu cầu các địa phương chủ động điều chỉnh phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm...) và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô 2024 - 2025.

Đồng thời, tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, nâng cao ngưỡng tràn bằng bao tải cát; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây.

Trùng Dương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tay-nguyen-gong-minh-chong-han-post411337.html