Tây Nguyên kiểm tra, khắc phục sạt lở

Lãnh đạo các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông đã cùng các sở, ngành liên quan kiểm tra, khắc phục các vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở.

Ngày 3-8, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cùng đoàn công tác của UBND tỉnh đã kiểm tra hiện trường sụt lún, nứt đất và nhà cửa tại khu vực công trình xây dựng dự án hồ chứa nước Đông Thanh (xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà).

Lâm Đồng còn nhiều điểm có nguy cơ sạt lở

Trước đó, do mưa lớn kéo dài nên nhiều diện tích đất nông nghiệp và nhà cửa của người dân ở đây bị sụt lún, sạt trượt đất. Vị trí sạt trượt, sụt lún nằm ở khu vực sườn đồi vai phải đập, phía ngoài và sát với khu vực thi công xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh.

Tình trạng nứt, sạt trượt đất xảy ra trên diện tích khoảng 2,5 ha đất sản xuất nông nghiệp và nhà ở của bốn hộ gia đình.

Ngoài ra, các hạng mục công trình dự án xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh như trần xả lũ bị chuyển vị, đáy dốc nước số 2 và dốc nước số 3 bị nứt đường chân chim; đoạn dốc nước số 4 bị đẩy nghiêng dẫn đến tường bên trái thấp hơn bên phải... cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo báo cáo của lãnh đạo huyện Lâm Hà, nhà ở của các hộ dân bị ảnh hưởng do sụt lún, nứt đất là công trình xây dựng trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp (không phải đất ở) gần khu vực xây dựng dự án hồ chứa nước Đông Thanh.

Khi xảy ra tình trạng nứt, sụt đất, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và đơn vị chủ đầu tư, thi công công trình hồ chứa nước này đã di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở.

Chính quyền địa phương cũng đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở những khu vực có nguy cơ sạt lở đất và cử lực lượng trực 24/24 giờ để theo dõi, xử lý kịp thời ở những điểm có nguy cơ sạt lở cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp kiểm tra tình trạng sụt lún ở hồ chứa nước Đông Thanh. Ảnh: VT

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp kiểm tra tình trạng sụt lún ở hồ chứa nước Đông Thanh. Ảnh: VT

Theo ông Trần Văn Hiệp, do đặc điểm cấu tạo địa chất tại khu vực này hơi yếu nên nếu tiếp tục hứng chịu thêm mưa lớn thì sẽ phát sinh nguy cơ sụt, trượt đất rất cao. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan liên quan mời các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá, đưa ra kết luận cụ thể về nguyên nhân sụt, nứt và trượt đất tại khu vực.

Trước đó, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra một số địa điểm có địa hình đồi dốc cao, những địa điểm có nguy cơ sạt lở trên tuyến đèo Mimosa, TP Đà Lạt… để chỉ đạo dừng thi công, di dời các hộ dân đến nơi an toàn.

Mưa gây sạt lở nhiều nơi ở Đắk Lắk, Đắk Nông

Ngày 3-8, đại diện Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết đơn vị đã có báo cáo gửi Bộ GTVT về hư hỏng cống và lún cục bộ mặt đường do mưa lớn tại dự án xây dựng tuyến tránh trung tâm thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’leo, Đắk Lắk).

Theo đó, nguyên nhân ban đầu gây hư hỏng được xác định do các đợt mưa lớn kéo dài trên địa bàn dự án; địa hình đồi dốc đã gây xói lở, hư hỏng cống ngang đường, nước ngấm vào nền đường gây lún, nứt cục bộ dẫn đến hư hỏng mặt đường.

Biển cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt trượt ở hồ chứa nước Đông Thanh. Ảnh: VT

Biển cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt trượt ở hồ chứa nước Đông Thanh. Ảnh: VT

Sau khi xảy ra sự cố này, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cùng với các đơn vị liên quan đã rào chắn, lắp biển báo đèn tín hiệu cảnh giới các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến được an toàn; xử lý các vết nứt, chống nước mưa ngấm xuống nền đường gây sạt lở tuyến.

Ban cũng yêu cầu tư vấn giám sát và nhà thầu khẩn trương khắc phục sự cố trước ngày 10-8. Tuy nhiên, do mưa lớn đang kéo dài nên việc triển khai thi công gặp khó khăn.

Thời gian qua, các nhà thầu đã tập trung sửa chữa rãnh dọc, cống ngang và mái taluy để bàn giao hết bảo hành công trình cho đơn vị quản lý theo quy định. Tuy nhiên, gần đây ở Tây Nguyên có các đợt mưa rất lớn kéo dài gây sạt lở tại một số địa phương lân cận, trong đó có dự án tuyến tránh Ea H’leo.

Tuyến tránh trung tâm thị trấn Ea Drăng bị hư hỏng nặng. Ảnh: TX

Tuyến tránh trung tâm thị trấn Ea Drăng bị hư hỏng nặng. Ảnh: TX

Sáng cùng ngày, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, chủ trì hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến các xã để nắm bắt tình hình và tăng cường ứng phó với thiên tai.

Ông Hồ Văn Mười nhấn mạnh toàn tỉnh cần làm tốt phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng” trong phòng, chống thiên tai, sạt lở… để xử lý sớm, nhanh, chính xác nhất những vấn đề ngay từ cơ sở, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng.

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, cho biết: “Mỗi năm, chúng tôi trồng mới 1.000-2.000 ha rừng nhằm tăng độ che phủ. Bên cạnh đó, sở còn triển khai một số đề án phát triển nông, lâm kết hợp, khôi phục và phát triển rừng tự nhiên…, từng bước khôi phục trên diện tích rừng bị lấn chiếm”.

VÕ TÙNG - VŨ LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tay-nguyen-kiem-tra-khac-phuc-sat-lo-post745312.html