Tây Ninh: Cơ hội phát triển mạnh mẽ cho 2 thị xã vừa được công nhận đô thị loại 3

Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 111 và 112 công nhận thị xã Trảng Bàng và thị xã Hòa Thành (tỉnh Tây Ninh) là đô thị loại 3.

Ngày 11/2, tin từ UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 111 và 112 công nhận thị xã Trảng Bàng và thị xã Hòa Thành là đô thị loại 3.

Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển đô thị của các địa phương, tạo tiền đề cho mục tiêu nâng cấp thành phố trong tương lai.

Những năm qua, thị xã Hòa Thành đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở như hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, nhiều tuyến đường được đầu tư mở rộng khang trang; hệ thống giáo dục, y tế của Thị xã được quan tâm đầu tư tốt, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hơn.

Những năm qua, thị xã Hòa Thành đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở như hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, nhiều tuyến đường được đầu tư mở rộng khang trang; hệ thống giáo dục, y tế của Thị xã được quan tâm đầu tư tốt, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hơn.

Theo quyết định, thị xã Hòa Thành có tổng diện tích tự nhiên là 8.292,43ha, bao gồm 4 phường và 4 xã.

Khu vực nội thị có diện tích 2.342,29ha, bao gồm các phường Long Hoa, Hiệp Tân, Long Thành Bắc và Long Thành Trung.

Khu vực ngoại thị có diện tích 5.950,14ha, bao gồm các xã Long Thành Nam, Trường Tây, Trường Hòa và Trường Đông. Dân số hiện tại của thị xã Hòa Thành là 139.853 người, trong đó khu vực nội thị có 68.887 người và khu vực ngoại thị có 70.966 người.

Kết quả đánh giá hiện trạng theo các tiêu chí đô thị loại 3 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị quyết số 26/2022/NQ-UBTVQH15, gồm 5 tiêu chí và 63 tiêu chuẩn, thị xã Hòa Thành đã đạt 5/5 tiêu chí và 59/63 tiêu chuẩn.

Thị xã Trảng Bàng là cửa ngõ của tỉnh Tây Ninh, với nhiều tiềm năng, lợi thế về địa lý, hạ tầng giao thông đồng bộ, có nhiều khu công nghiệp, thu hút nhiều dự án đầu tư. Việc thị xã Trảng Bàng tiến tới trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, tạo tiền đề cho đô thị này phát triển là điều tất yếu.

Thị xã Trảng Bàng là cửa ngõ của tỉnh Tây Ninh, với nhiều tiềm năng, lợi thế về địa lý, hạ tầng giao thông đồng bộ, có nhiều khu công nghiệp, thu hút nhiều dự án đầu tư. Việc thị xã Trảng Bàng tiến tới trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, tạo tiền đề cho đô thị này phát triển là điều tất yếu.

Thị xã Trảng Bàng có tổng diện tích tự nhiên là 340,14 km², gồm 6 phường nội thị: Trảng Bàng, Lộc Hưng, Gia Lộc, Gia Bình, An Tịnh, An Hòa, và 4 xã ngoại thị: Long Thuận, Hưng Thuận, Phước Bình, Phước Chỉ.

Dân số toàn thị xã khoảng 235.000 người, trong đó khu vực nội thị chiếm 72,9%. Tỉ lệ tăng dân số là 1,65%. Tổng số dân trong độ tuổi lao động là 133.738 người, chiếm 73,5% tổng dân số của thị xã, với tỉ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 70,9%.

Việc được công nhận đạt chuẩn đô thị loại 3 là kết quả của quá trình đầu tư phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng đô thị. Đặc biệt, tiến độ hoàn thành đã sớm hơn so với kế hoạch, trở thành điểm sáng trong quy hoạch và xây dựng đô thị của tỉnh Tây Ninh.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Nam Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh cho biết, 2 thị xã đã nỗ lực vượt qua kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch, chỉ tiêu này dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, nhưng đã hoàn thành từ đầu năm 2025, vượt kế hoạch một năm.

Trong thời gian tới, để phát triển đô thị, 2 thị xã cần tập trung phát huy các thế mạnh kinh tế, tạo động lực cho sự phát triển đô thị, và thu hút các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương.

Cần ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đồng thời xây dựng các chương trình, kế hoạch, và danh mục dự án đầu tư huy động nguồn vốn tập trung trong giai đoạn tiếp theo để khắc phục những chỉ tiêu còn thiếu, nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh theo đúng lộ trình và kế hoạch của tỉnh ủy và UBND tỉnh Tây Ninh.

Việc đạt chuẩn đô thị loại 3 không chỉ ghi nhận những nỗ lực của thị xã Trảng Bàng và thị xã Hòa Thành, mà còn mở ra cơ hội thu hút đầu tư, nâng cấp hạ tầng và hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trong tương lai gần.

Đô thị loại 3 là gì?

Theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định đô thị loại 3 như sau:

1. Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội:

a) Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ cấp tỉnh, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng liên tỉnh;

b) Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này.

2. Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 100.000 người trở lên; khu vực nội thành, nội thị đạt từ 50.000 người trở lên.

3. Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 1.400 người/km2 trở lên; khu vực nội thành, nội thị tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 7.000 người/km2 trở lên.

4. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 60% trở lên; khu vực nội thành, nội thị đạt từ 75% trở lên.

5. Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Như vậy, đô thị loại 3 là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ cấp tỉnh, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng liên tỉnh và đáp ứng các điều kiện nêu trên.

Nguyễn Văn Khánh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tay-ninh-co-hoi-phat-trien-manh-me-cho-2-thi-xa-vua-duoc-cong-nhan-do-thi-loai-3-20425021109391108.htm