Tây Ninh: Công nhận vùng an toàn dịch bệnh, có khu chăn nuôi công nghệ cao
Tây Ninh sẽ tiếp tục được đầu tư thêm 7 dự án trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025-2030, nằm trong chuỗi tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh.
Ngày 19/5, tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn tổ chức chuỗi sự kiện: Lễ công nhận Vùng an toàn dịch bệnh Tây Ninh và công bố Kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal; khánh thành Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh; công bố 7 dự án trọng điểm Tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đến dự cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nhân dân Bangladesh; các phái đoàn ngoại giao gồm Tổng Lãnh sự quán, Tham tán thương mại các nước Australia, Mỹ, Canada, Đan Mạch, Hungary, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hungary, Italy, Australia, Trung Quốc, Mông Cổ, Malaysia, Philippines, Lào, Myanmar, Thái Lan, Pakistan; Tỉnh trưởng, Phó tỉnh trưởng các tỉnh giáp biên Tây Ninh như Svay Riêng, Prey Veng, Tboung Khmum, Kampong Cham (Vương quốc Campuchia) tham dự sự kiện.
Tại buổi lễ, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Nguyễn Văn Long, Cục Trưởng Cục Thú y đã trao chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh cho đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
Tại buổi lễ, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn nhấn mạnh Tây Ninh là tỉnh có nhiều thế mạnh về điều kiện tự nhiên; trong đó công nghiệp và dịch vụ du lịch được xác định là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, gắn với phát triển không gian mới; nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu.
Ông Vũ Mạnh Hùng cũng cho biết chỉ sau 10 tháng thi công và hoàn thiện, dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN đã chính thức được khánh thành.
Tây Ninh sẽ tiếp tục được đầu tư thêm 7 dự án trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025-2030, nằm trong chuỗi tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh.
Các dự án này bao gồm hệ thống trang trại con giống, trang trại gà thịt xuất khẩu và nhà máy chế biến thực phẩm với tổng vốn đầu tư lên đến 2.500 tỷ đồng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết theo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành nông nghiệp Tây Ninh sẽ phát triển theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, số hóa và kinh tế tuần hoàn.
Do đó, để đạt được mục tiêu trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh cho rằng cần sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh, đặc biệt là không thể thiếu sự tham gia, đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh của Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Hùng Nhơn đã và đang là một trong những dự án quan trọng, lan tỏa mạnh mẽ, góp phần hiện thực mục tiêu thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn của địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, lễ khánh thành Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN nhằm triển khai tiếp các dự án công nghệ cao của các Tập đoàn De Heus, Tập đoàn Hùng Nhơn trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam; trong đó tập trung các dự án tại tỉnh Tây Ninh (trang trại chăn nuôi, sản xuất con giống, nhà máy chế biến giết mổ); công bố các vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm tại tỉnh Tây Ninh và công bố kế hoạch xuất khẩu gia cầm sang thị trường Halal.
Sự kiện này không chỉ mở đường cho sự kết nối quốc tế mà còn là bước khẳng định chất lượng sản phẩm của thị trường Việt Nam có đủ điều kiện để chinh phục các thị trường khắt khe, khó tính trên toàn thế giới.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh giá trị cốt lõi của sự kiện hôm nay không chỉ để thực hiện tái cơ cấu, định hình lại ngành chăn nuôi của tỉnh Tây Ninh nói riêng mà nó còn là mô hình để phát triển ngành nông nghiệp trên cả nước, để ngành chăn nuôi từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo chiến lược phát triển nông nghiệp, phát triển chăn nuôi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cũng tại chuỗi sự kiện, đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn Hùng Nhơn và Công ty Trách nhiệm hữu hạn ORVIA Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) đầu tư phát triển sản phẩm vịt giống, vịt thịt và sản xuất phân bón hữu cơ đạt chuẩn Organic USDA/EU, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Halal và quốc tế. Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ dự án này là 2.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Hùng Nhơn cùng với Tập đoàn De Heus, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh Ngọc Bích, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thế Giới của Kiến Thức và Kết Nối, đã ký kết về chương trình hợp tác, liên kết sản xuất, cung ứng sản phẩm chăn nuôi theo tiêu chuẩn Halal.
Nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024), đại diện Quỹ từ thiện DHN đã phối hợp cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh trao tặng 500 triệu đồng cho các hoạt động xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương cho huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
Quỹ Từ thiện DHN cũng trao sổ tiết kiệm trị giá 50 triệu đồng cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Năm và tặng quà cho 10 hộ gia đình chính sách gặp khó khăn của huyện Tân Châu./.