Tây Ninh đẩy mạnh sản xuất các loại trái cây chất lượng cao
Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tỉnh Tây Ninh đang tập trung phát triển các loại trái cây chất lượng cao thay vì chỉ có hai loại nông sản chủ lực trước đây là khoai mì và mía.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh có 400.000 ha đất canh tác nông nghiệp với đầy đủ tiềm năng để phát triển những loại cây trồng cho năng suất cao và giá trị lớn. Cùng với chính sách ưu đãi đầu tư và sự cần cù, lĩnh hội nhanh các tiến bộ về kỹ thuật trong trồng tỉa của hơn 30.000 hộ nông dân sẽ là lực đẩy đưa kinh tế nông nghiệp Tây Ninh phát triển mạnh trong nay mai.
Để thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với thị trường hàng hóa, trong thời gian qua, UBND tỉnh Tây Ninh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người nông dân tại địa phương.
Cụ thể, ngày 20/4, UBND tỉnh Tây Ninh đã ký kết với Vietnam Airlines để đưa các sản phẩm nông nghiệp là đặc sản của Tây Ninh như dưa lưới, dưa lê, thanh long cung cấp trên các chuyến bay của hãng, qua đó kết nối đưa sản phẩm Việt vươn ra thế giới. Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, thỏa thuận hợp tác với Vietnam Airlines có ý nghĩa hết sức đặc biệt trong bối cảnh các sản phẩm nông nghiệp và du lịch tỉnh Tây Ninh vừa được hình thành, cần được quảng bá và thị trường tiêu thụ ổn định.
Hay đầu tháng 1/2019, với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các ban ngành trong tỉnh, nhà máy Tanifood có vốn đầu tư 1.780 tỷ đồng tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu do công ty CP Lavifood đã đi vào hoạt động. Đây là nhà máy chế biến trái cây có quy mô lớn nhất nước và sản phẩm đa dạng. Ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP Lavifood cho biết, Nhà máy áp dụng dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại đạt chuẩn Lead Silver của Mỹ, áp dụng công nghệ 4.0 trong vận hành, quản lý. Với công suất mỗi năm 60.000 tấn thành phẩm, nông sản loại 1 sẽ làm hàng xuất khẩu tươi; loại trái cây thuộc loại 2, 3, 4 làm nước ép đóng chai, đông lạnh, sấy và cô đặc đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu qua Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc.
Theo ông Võ Ðức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tây Ninh, trong thời gian gần đây, Tây Ninh có 28 dự án đầu tư vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; tổng vốn 1.940 tỷ đồng, nâng tổng số dự án nông nghiệp lên 57 dự án, với tổng vốn hơn 4.040 tỷ đồng. Các dự án đầu tư này giúp nông dân có thu nhập 39,9 triệu đồng/người/năm, tăng 15,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2012.
Trong các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nhiều dự án trồng cây ăn trái cho năng suất và giá trị thương phẩm cao đã được triển khai. Chẳng hạn, Nhà máy Tanifood ký hợp đồng với các hợp tác xã, nông dân bao tiêu loại trái cây, rau củ với sản lượng 500 tấn nguyên liệu/ngày, tương ứng với tổng diện tích 7.124 ha. Hay Hội Nông dân huyện Bến Cầu chuyển đổi đất trồng cây công nghiệp sang trồng cây dứa Queen với mức đầu tư 70 triệu đồng/ha, tổng số vốn cho 35 ha là 2,45 tỷ đồng.
Đại diện Hội Nông dân huyện Bến Cầu cho biết, mô hình này giúp nông dân thu hoạch 25 tấn/ha, tổng sản lượng là 875 tấn và được tiêu thụ giá 6.000 đồng/kg, đem về lợi nhuận 40 triệu đồng/ha.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tây Ninh, diện tích trồng cây ăn trái của địa phương có tốc độ tăng bình quân là 9,1%/năm. Tây Ninh hiện có 20.212 ha đất trồng cây ăn trái. Trong đó các loại trái cây như sầu riêng, xoài, chuối, nhãn, mãng cầu, bưởi, thanh long, dưa lưới trồng tập trung có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất và giá trị đã tăng từ 3-4 lần so với trồng các loại cây ăn trái truyền thống. Tây Ninh đang thực hiện 40 mô hình khuyến nông ứng dụng công nghệ cao, trong đó 10% sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng 14,8% , tăng 31,9% so với năm 2015.
Ông Võ Ðức Trong cho rằng, nhờ chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp và sự nhạy bén của người nông dân trong canh tác đã, đang là “cú hích” góp phần đưa kinh tế nông nghiệp của Tây Ninh bứt phá và sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.