Tây Ninh nỗ lực tăng hạng chỉ số PCI và phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ mới
Tại chương trình Cà phê doanh nhân Tây Ninh chủ đề Doanh nhân Tây Ninh trong thời kỳ mới và PCI từ góc nhìn doanh nghiệp, đã có nhiều ý kiến đưa ra nhằm tăng chỉ số PCI của tỉnh và đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của các doanh nghiệp Tây Ninh trong thời gian tới.
Chỉ số PCI tăng 35 bậc
Ông Kiều Công Minh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tây Ninh cho biết, một tín hiệu vui với tỉnh nhà là năm 2023, chỉ số PCI (chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp) của Tây Ninh năm 2023 đã tăng lên 35 bậc.
Trong những năm vừa qua, chỉ số PCI của Tây Ninh liên tục bị giảm thứ hạng, từ nhóm “tốt” xuống nhóm “khá”, “trung bình” và năm 2022 thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng. Cụ thể, năm 2022, chỉ số PCI Tây Ninh đạt 62,31 điểm, xếp hạng 55/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, chỉ số PCI của tỉnh đã được cải thiện rõ rệt, tăng lên 35 bậc vào năm 2023.
Hiện tại, Tây Ninh vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện để tăng chỉ số PCI trong thời gian tới. Trong đó, theo ông Minh, 3 vấn đề cần phải quan tâm là tính minh bạch, chi phí không chính thức, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Một số doanh nghiệp (DN) tại Tây Ninh và ở TP.HCM tham gia chương trình cũng đề xuất những ý kiến đóng góp để Tây Ninh tiếp tục cải thiện chỉ số PCI trong thời gian tới như: cải thiện hơn nữa các thủ tục hành chính, thống nhất trong quản lý điều hành giữa các cấp (tỉnh, huyện), có nhiều biện pháp hỗ trợ DN các tỉnh về đầu tư tại Tây Ninh...
Ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn chúc mừng tỉnh Tây Ninh đã nâng cao chỉ số PCI. Ông Trần Hoàng cho biết, chỉ số cạnh tranh của địa phương không chỉ phụ thuộc vào chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp mà các còn phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp tại chính địa phương đó.
Thời gian qua, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã phối hợp với Viện Sáng kiến Việt Nam xây dựng Báo cáo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp các địa phương. Ông Trần Hoàng hy vọng sẽ nhận được những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp tại tỉnh Tây Ninh nhằm giúp DN, hội ngành nghề và các cơ quan chức năng có góc nhìn tổng quan cùng những kiến nghị giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế các địa phương.
Lắng nghe các ý kiến, ông Minh cho rằng, để nâng cao chỉ số PCI của Tây Ninh, cần thực hiện quyết liệt các biện pháp:
Thứ nhất, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải thiết thực hơn Tăng cường đối thoại, tương tác trực tiếp qua website và mô hình đầu mối hỗ trợ DN hiệu quả, hỗ trợ các hiệp hội đầu mối hỗ trợ DN ngày càng mạnh.
Thứ hai, tăng cường công tác chỉ đạo điều hành. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năng động, minh bạch, Xây dựng bộ máy công vụ ngang tầm, nâng cao phẩm chất, năng lực cán bộ, tận tình, tận tâm trong công việc.
Thứ ba, thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính. Cơ chế phối hợp giữa các ngành, địa phương, Đơn giản hóa, cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả giám sát của mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân.
“
Cần tiếp tục phân tích, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI) năm 2023; hướng đến cải thiện liên tục môi trường kinh doanh, có cơ chế tiếp nhận và phản hồi thông tin hiệu quả.
Ông Kiều Công Minh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tây Ninh
Cần thích ứng nhanh, tự đổi mới trong thời gian tới
Đến 31/12/2023, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có gần 7.750 DN, đóng góp khoảng 52% GRDP của tỉnh. Bên cạnh ưu điểm là trẻ, năng động, sáng tạo, các DN trong tỉnh chủ yếu là nhỏ và vừa (96,59%), sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực, kỹ năng quản trị còn hạn chế, tính liên kết, hợp tác, tận dụng cơ hội từ hội nhập còn yếu. Vì thế, các DN Tây Ninh cần phải tự đổi mới, thích ứng để đáp ứng nhu cầu của thời đại.
Để phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Tây Ninh, ông Minh cho rằng: “Các DN trong tỉnh cần tăng cường kết nối, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, khảo sát thị trường, nâng cao năng suất lao động gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tham gia chuỗi cung ứng; Tham gia tích cực việc toàn cầu hóa 4.0; phát triển chuỗi giá trị, xây dựng quan hệ lao động hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động”, ông Minh nhấn mạnh.
Đại diện cho các DN trên địa bàn tỉnh, ông Trần Hữu Hậu - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh cho biết, trong thời gian tới, Hội Doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp tục đồng hành cùng các hội viên trong việc phát triển kinh tế của tỉnh. Hội sẽ tập trung vào việc tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo chuyên đề và các hoạt động kết nối giao thương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đồng thời, Hội cũng sẽ làm cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền, giúp phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tìm kiếm giải pháp tháo gỡ.
Đến tham dự chương trình, ông Nguyễn Thành Tâm - Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh khẳng định, tỉnh luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Ông Tâm cũng đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tăng cường các hoạt động thu thập và phản ánh kịp thời các vấn đề khó khăn, vướng mắc của cộng đồng DN địa phương, giúp tỉnh có kênh thông tin kịp thời, hữu ích để giải quyết tốt hơn các khó khăn, vướng mắc của DN.
7 nhiệm vụ phát triển DN, doanh nhân Tây Ninh trong thời kỳ mới:
-Tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
-Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.
-Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng.
-Phát huy vai trò của các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
-Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
-Xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
-Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân tỉnh trong thời kỳ mới.