Tây Ninh phát triển kinh tế cửa khẩu theo hướng kết nối logistics, thương mại và du lịch biên giới

Ngày 9/7, tại phường Tân Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Út đã có buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương về tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, phát triển khu kinh tế cửa khẩu.

Tỉnh Tây Ninh có đường biên giới dài 374,906 km, với có 4 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam, Bình Hiệp). (Nguồn: UBND tỉnh Tây Ninh)

Tỉnh Tây Ninh có đường biên giới dài 374,906 km, với có 4 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam, Bình Hiệp). (Nguồn: UBND tỉnh Tây Ninh)

Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh Đặng Hoàng Chương đã báo cáo tiến độ các tuyến đường quan trọng như: Đường vành đai 3 qua địa bàn tỉnh Tây Ninh khoảng 6,37km, tổng mức đầu tư khoảng 3.040 tỷ đồng (giai đoạn 1 là 4 làn xe, quy mô đầu tư hoàn chỉnh là 8 làn xe), dự kiến năm 2026 đưa vào sử dụng.

Đối với tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh- Mộc Bài, có điểm đầu kết nối Vành đai 3 ở TP. Hồ Chí Minh và điểm cuối tuyến thuộc khu vực Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) với chiều dài 51km (đoạn qua Tây Ninh khoảng hơn 26 km), với quy mô 4 làn xe, có tổng mức đầu tư dự kiến 19.617 tỷ đồng.

Trong đó, Tây Ninh thuộc gói thành phần 4, với mức đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối tỉnh Tây Ninh với Thành phố Hồ Chí Minh và toàn vùng Đông Nam Bộ.

Khi hoàn thành, Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Mộc Bài không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển, giảm áp lực cho Quốc lộ 22 hiện hữu mà còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động vận chuyển hàng hóa, phát triển du lịch và tăng cường giao thương xuyên biên giới. Qua đây, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực.

Ngoài ra, các dự án giao thông trọng điểm như đường vành đai 4, cao tốc Gò Dầu-Xa Mát…. cũng đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để triển khai.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh Trương Văn Liếp cho biết, tỉnh đã có báo cáo nội dung xin ý kiến Trung ương về cơ chế đặc thù phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Campuchia trong thời gian tới.

Cùng đó, các đại biểu cũng phân tích, làm rõ về vai trò kinh tế cửa khẩu; nhấn mạnh vai trò quan trọng phát triển các cửa khẩu xứng tầm, nhất là cửa khẩu quốc tế Mộc Bài trong tương lai.

Cụ thể, Tây Ninh phát triển kinh tế cửa khẩu theo hướng kết nối logistics, thương mại và du lịch biên giới. Đẩy mạnh hạ tầng đồng bộ tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh vùng biên.

Tỉnh Tây Ninh có đường biên giới dài 374,906 km, với có 4 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam, Bình Hiệp); 4 cửa khẩu quốc gia (Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân, Mỹ Quý Tây); 13 cửa khẩu phụ với nhiều tuyến đường truyền thống lối mở qua lại biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh (Svay Rieng, Pray Veng, Tboung Khmum) Campuchia.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Út nhấn mạnh vai trò phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành tỉnh, địa phương trong quản lý đất đai, quy hoạch đô thị và đẩy nhanh các thủ tục đầu tư công trình giao thông; các địa phương cần chủ động trong quy hoạch quỹ đất, tái định cư… để người dân an tâm, sớm ổn định cuộc sống sau đền bù, giải tỏa.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tay-ninh-phat-trien-kinh-te-cua-khau-theo-huong-ket-noi-logistics-thuong-mai-va-du-lich-bien-gioi-320452.html